Qua 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ (gọi tắt là chương trình Kết nối cung - cầu) đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp (DN), sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ Công thương, UBND TPHCM, các tỉnh - thành và sự phối hợp của các sở ngành có liên quan của từng địa phương. Tại Hội nghị kết nối năm 2015 do Sở Công thương TPHCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đánh giá chương trình đã phát huy được hiệu quả tích cực, từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa giữa thành TPHCM và các tỉnh, thành.
Quy mô, mặt hàng cung ứng ngày càng tăng
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận định, thông qua Chương trình Kết nối cung - cầu, hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TPHCM tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp có uy tín, các sản phẩm chất lượng, các sản phẩm làng nghề, hàng đặc sản... góp phần thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn TP; đồng thời hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô.
Qua 4 năm triển khai Hội nghị kết nối cung - cầu, quy mô, hiệu quả của Chương trình ngày càng mở rộng, hàng hóa ngày càng phong phú, số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng tăng lên. Cụ thể, nếu như trong năm 2012, Hội nghị kết nối cung cầu chỉ khoảng 15 địa phương tham gia, ký kết được 43 hợp đồng nguyên tắc thì đến năm 2013 có đến 394 hợp đồng nguyên tắc được ký kết, trong đó tại Hội nghị kết nối cung - cầu có 23 địa phương tham gia, ký kết 229 hợp đồng. Đến năm 2014, tổng cộng có 430 hợp đồng nguyên tắc được ký kết.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa xem sản phẩm tại hội nghị (Ảnh: CAO THĂNG)
Riêng năm 2015, bên cạnh việc mở rộng số lượng, chủng loại mặt hàng tham gia, chương trình tập trung ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP...), đưa vào kênh phân phối truyền thống và đẩy mạnh quảng bá, truyền thông sản phẩm đạt chuẩn an toàn, địa điểm phân phối sản phẩm an toàn. Qua đó, góp phần xây dựng thành công chuỗi an toàn thực phẩm (ATTP), bước đầu và là tiền đề hình thành mạng lưới địa điểm phân phối thực phẩm đạt chuẩn an toàn, qua đó nâng cao ý thức DN, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sức khỏe của người dân TP. Kết quả, trong năm 2015, có 482 hợp đồng được ký kết, trong đó tại Hội nghị kết nối cung - cầu có 30 địa phương tham gia, ký kết có 273 hợp đồng đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm với 8 nhà phân phối.
Lũy kế sau 4 năm thực hiện Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa, đã có 1.238 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, trong đó 886 hợp đồng đã được triển khai thực hiện (79 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo) với tổng trị giá trên 20.000 tỷ đồng, trong đó TPHCM tiêu thụ hàng hóa các tỉnh, thành trị giá trên 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trên 6.500 tỷ đồng.
284 điểm phân phối thực phẩm an toàn tại TP
Không chỉ đạt kết quả tích cực trong việc kết nối cung - cầu hàng hóa mà chương trình còn giúp kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối nhằm phát triển địa điểm phân phối thực phẩm an toàn trên địa bàn TP.
Thực tế thời gian qua, trước tình hình thông tin về vấn đề vi phạm ATTP trên phạm vi cả nước được cơ quan truyền thông đề cập thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện và công bố như sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật có chất cấm, dư lượng hóa chất vượt ngưỡng trên rau củ quả, sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi... làm cho người tiêu dùng hoang mang, không yên tâm trong mua sắm, sử dụng thực phẩm. Chính vì thế, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân vì vậy đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có đầy đủ các chứng nhận về chất lượng... Tuy nhiên, trên thực tế, để tìm kiếm và nhận biết được một địa chỉ mua sắm an toàn, uy tín, thực sự tạo được sự an tâm cho người tiêu dùng còn rất ít.
Xuất phát từ nhu cầu bức thiết của người dân, TP cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực và khả thi, bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ như Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”, thí điểm mô hình Chợ an toàn thực phẩm. Hàng hóa cung ứng trong các hệ thống TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã được kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được quản lý, bảo quản và phân phối theo quy trình kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, chủ yếu là những sản phẩm sản xuất và cung ứng từ các DN Bình ổn thị trường và DN được Sở Y tế cấp chứng nhận Chuỗi thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP như: rau củ quả của các HTX Phước An, Phú Lộc, Thảo Nguyên, Anh Đào; Thịt gia súc của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty An Hạ; Thịt gia cầm của Công ty Phạm Tôn; Trứng gia cầm của Công ty Ba Huân, Adeco…
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, TPHCM không chỉ là một thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm mà còn là đầu mối chế biến, kinh doanh, cung cấp nông sản, thực phẩm cho các tỉnh và xuất khẩu; đồng thời là nơi tiếp nhận khối lượng lớn nông sản, thực phẩm từ các tỉnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân TP. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và sự tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội TP. Xuất phát từ nhận thức đó, qua quá trình kiên trì triển khai và nỗ lực vượt qua thách thức của các DN và sở - ngành TP trong tổ chức sản xuất và thử nghiệm phân phối các sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn và các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Tính đến ngày 7-12-2015, TPHCM đã có 5 đơn vị đăng ký thực hiện công bố các điểm bán các sản phẩm an toàn tại 246 địa điểm trên địa bàn TP. Riêng tại Hội nghị kết nối cung - cầu năm 2015, đã có thêm 4 đơn vị đã đăng ký các điểm bán sản phẩm an toàn, nâng tổng số lên 284 điểm bán. Bao gồm: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam đăng ký 29 điểm kinh doanh và bán các sản phẩm sữa đạt chuẩn; Công ty TNHH Phạm Tôn đăng ký 7 địa điểm phân phối các sản phẩm thịt gia cầm, thị gà đạt chuẩn VietGAP; Công ty CP Đầu tư TMDV Nữ Hoàng đăng ký 2 địa điểm phân phối các sản phẩm ra củ quả, thịt gia súc gia cầm đạt chuẩn VietGAP và công ty…
Theo đồng chí Lê Văn Khoa, đây là bước khởi điểm thuận lợi cho sự phát chuỗi điểm bán hàng ATTP do các DN đăng ký thực hiện để người tiêu dùng đến mua sắm những mặt hàng đạt chất lượng cao.
Để Chương trình Kết nối cung - cầu thời gian tới đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tốt hơn, tại hội nghị, các bên đã xác định, tiếp tục tổ chức định kỳ Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng năm, tạo điều kiện cho DN TPHCM và DN các tỉnh, thành bạn gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kết hợp kiểm tra năng lực sản xuất các đối tác của DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường; Hỗ trợ, khuyến khích các DN TPHCM thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật… cho các DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh - thành để sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP... Đẩy mạnh công tác truyền thông, định vị sản phẩm đạt chuẩn ATTP có một vị thế cao hơn, đúng giá trị, nâng cao ý thức người tiêu dùng, phát triển mạng lưới địa điểm phân phối sản phẩm an toàn, qua đó tạo tiền đề phát triển lâu dài, bền vững cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng theo quy trình ATTP của Việt Nam.
HẠNH NHUNG - THÚY HẢI
* Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: Hợp tác thương mại mang đến lợi ích kép cho DN và người tiêu dùng
Sau 4 năm thực hiện Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, trong đó nội dung trọng điểm là việc thực hiện các Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa đã mang lại lợi ích kép cho cả DN và người tiêu dùng. Trên thực tế, TPHCM hiện mới chỉ tự sản xuất và cung ứng lượng hàng hóa đáp ứng được 20% - 25% nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân. Đó là chưa kể, TP còn là nơi phát luồng hàng đến nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Do vậy, TPHCM phải dựa vào nguồn cung từ chính các tỉnh, thành khác, bằng không sẽ bị mất cân đối nghiêm trọng giữa cung - cầu.
Ở chiều ngược lại, các tỉnh, thành phải dựa vào hệ thống phân phối tại TP để tiêu thụ sản phẩm. Tại nhiều tỉnh như Đồng Nai, Lâm Đồng… hiện có tới 70% tổng sản lượng hàng hóa được đưa về TPHCM để tiêu thụ. Để chương trình đạt hiệu quả tốt hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành chức năng, giữa các tổ chức đoàn thể, cũng như các DN, từ đó có sự định hướng đúng trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa.
Tôi cho rằng, trong hợp tác và phát triển bền vững, đó là các bên phải luôn phải đặt và trả lời được 3 vấn đề sau: Làm thế nào để nguồn hàng ngày càng dồi dào, đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu người dân; Khi có hàng thì phải làm sao phát triển, đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng; Khi đảm bảo được 2 vấn đề trên thì phải làm gì để nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ tốt nhất sức khỏe giống nòi.
* Bà Trương Thị Hiệp, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai: Góp phần thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững
Thông qua chương trình này, từ năm 2012, TPHCM là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm về chăn nuôi và trái cây của DN tại Đồng Nai. Cụ thể, sản lượng cung ứng heo của Đồng Nai cho thị trường trung bình 1,5 triệu con/năm, gia cầm là 16 triệu con, sầu riêng 28.000 tấn… Khi tìm được đầu ra ổn định, bền vững, các DN tại địa phương mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sạch và đảm bảo nguồn gốc để cung ứng cho thị trường tiêu thụ tại TPHCM. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo quyết liệt để các DN trên địa bàn tạo nguồn sản phẩm sạch cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo đó, sự có mặt của các siêu thị lớn của TPHCM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã góp phần tạo nguồn hàng phong phú và chất lượng cho người dân có nhiều lựa chọn hơn trong mua sắm.
* Ông Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận: Mở cơ hội cho các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ
Tỉnh Bình Thuận có rất nhiều đặc sản như nho Ninh Thuận, táo, tỏi; các loại thịt dê, bò, cừu… đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều năm qua hàng hóa nông sản Bình Thuận được sản xuất với mô hình nhỏ lẻ, các DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ nên việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm những năm qua rất vất vả. Tuy nhiên, nhờ được tham dự các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh - thành nên các DN địa phương có điều kiện đưa sản phẩm, đặc sản đạt chất lượng vào siêu thị tại TPHCM và các tỉnh, thành khác.
|