Trong 2 năm 2013 và 2014, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành tổ chức hàng loạt các chương trình kết nối giữa các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với các hệ thống phân phối, các chợ truyền thống. Đây là chất xúc tác để TPHCM từng bước hình thành phong trào sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện cho các sản phẩm VietGAP xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Tổ chức nhiều đợt kết nối
Năm 2013, lần đầu tiên, TPHCM tổ chức buổi ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP giữa Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) với các nhà cung cấp. Đây là chương trình mở đầu “chiến dịch” hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn” tại TPHCM. Tại buổi lễ, Saigon Co.op đã lần lượt ký kết với 16 đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), trong đó có 13 đơn vị sản xuất rau củ quả và 3 đơn vị sản xuất trái cây. Điều đáng lưu ý, trong số 16 đơn vị đạt chuẩn VietGAP, có đến 9 đơn vị là các DN, các HTX sản xuất rau củ quả của TP, số DN còn lại là của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Theo nội dung ký kết, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp quảng bá, trưng bày các sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGAP kinh doanh trong hệ thống siêu thị Co.opmart ở một khu vực riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Trước mắt, Saigon Co.op sẽ triển khai các gian hàng rau VietGAP tại các siêu thị trên địa bàn TPHCM, sau đó sẽ nhân rộng cách làm này tại tất cả các siêu thị trên địa bàn cả nước và tại các cửa hàng Co.op Food và cửa hàng Co.op trong toàn hệ thống. Ngược lại, các nhà cung cấp cam kết sẽ tuân thủ đúng quy định sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, ATVSTP và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Các nhà sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP thực hiện ký kết trước sự chứng kiến của hai Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng và Lê Thanh Liêm. Ảnh: CAO THĂNG
Tiếp đó, vào cuối năm 2013 và tháng 10-2014, Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM (ITPC) tổ chức chuỗi Hội chợ Nông nghiệp Công nghiệp cao nhằm tạo điều kiện cho các DN, HTX của TPHCM và các tỉnh thành giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp được gieo trồng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tiên tiến nhất. Theo đó, Sở Nông nghiệp phối hợp với Sở Công thương tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối các mặt hàng nông nghiệp với hệ thống phân phối tại TPHCM. Tại hội nghị này, các đơn vị đã lần lượt ký kết các bản ghi nhớ về cung ứng và bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Các hoạt động này thực sự đã trở thành cầu nối cho hàng hóa, cho nhà sản xuất và tiêu thụ có cơ hội gặp gỡ để cùng nhau đầu tư, phân phối và phát triển.
Không dừng lại ở các hệ thống phân phối là siêu thị, mới đây Sở Công thương đã tổ chức các buổi làm việc với ban quản lý 17 chợ loại 1 tại TPHCM để bàn biện pháp đưa ra VietGAP vào các quầy sạp. Tại buổi làm việc, hầu hết ý kiến của ban quản lý các chợ đều thống nhất, đã đến lúc các sở, ngành chức năng, UBND các quận huyện phối hợp chặt chẽ với ban quản lý tăng cường tuyên truyền cho tiểu thương, người tiêu dùng về ý thức buôn bán và mua bán các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP để từng bước xây dựng các kênh phân phối thực phẩm an toàn tại các chợ.
Tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng
Sau gần 2 năm thực hiện nhiều đợt kết nối, gắn với tuyên truyền, đến nay các sản phẩm VietGAP đã được phân phối rộng khắp. Gần đây, rau VietGAP của HTX Phước An, Phú Lộc, Anh Đào, Hồng Phong,… đã có mặt tại nhiều siêu thị của TPHCM như Metro, Big C, Co.op Mart, Satra Food, Co.op Food… Sản phẩm VietGAP đã được bày bán tại một khu vực riêng, bên cạnh các loại rau an toàn bán xá nhằm giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn tốt hơn.
Riêng tại các chợ, rau VietGAP từng bước tìm được chỗ đứng của mình và được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua. Sản lượng và doanh số bán hàng từ sản phẩm VietGAP của nhiều tiểu thương đã tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Trần Phi Diệp, ngụ tại quận 2 cho biết, do công việc rất bận rộn nên mỗi tuần chị chỉ có thể đi chợ Bến Thành 1 lần. Nếu trước đây chị phải đi mua tại 5 - 7 sạp mới đủ lượng rau củ cho cả tuần thì nay chỉ cần mua tại 2 sạp là xong. Giá cả và trọng lượng rau VietGAP rất ổn định (nhờ được bao gói) nên chị Diệp rất an tâm.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing, hệ thống Siêu thị Co.opmart cho biết, hiện có khá nhiều đơn vị cung cấp rau củ đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Co.opmart như Anh Đào, Hồng Phong, Thảo Nguyên, Tân Phú Trung, Nhuận Đức, Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Phước An,… Do vậy, nguồn cung dồi dào và chủng loại phong phú. Các đơn vị này đều cam kết cung cấp đúng danh mục sản phẩm, đúng số lượng và đúng chất lượng, cũng như kiểm soát tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy định. Trong đó, nếu mặt hàng rau củ thuộc danh mục tiêu chuẩn VietGAP cung cấp cho Co.opmart thì tuyệt đối phải là hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Trong quá trình sản xuất, nhà cung cấp và tất cả các đơn vị thành viên cung cấp cho Co.opmart buộc phải tuân thủ quy trình VietGAP bao gồm: niêm yết danh sách thành viên, đánh giá thực tế năng lực sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đội ngũ giám sát, tổ chức sơ chế cách đất theo quy định,.. dưới sự giám sát của Sở NN-PTNT. Riêng Co.opmart trước khi ký hợp đồng đều phải có bước khảo sát thực tế nhằm xác định sản lượng thực tế của các đơn vị sản xuất để đặt hàng theo số lượng phù hợp, đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất không báo trước các HTX, hộ xã viên để kiểm soát tuân thủ trong suốt quá trình trồng.
Khi hàng hóa đưa về tổng kho, Co.opmart tiếp tục kiểm soát khi nhập vào bằng các kỹ thuật kiểm tra nhanh về ngoại quan, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các yếu tố vi sinh khác theo chuẩn VietGAP trước khi phân loại phân phối về siêu thị. Đồng thời, cũng tại tổng kho, một lượng lớn mẫu được chọn ngẫu nhiên để gửi các trung tâm kiểm định phân tích sâu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm VietGAP trước khi đưa vào kinh doanh đều được đóng gói có kèm theo thông tin và mã truy suất rõ ràng để theo dõi. Sau khi đưa hàng lên kệ, quản lý chất lượng siêu thị tiến hành kiểm tra nhanh và quản lý chất lượng của Saigon Co.op có đội kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất không báo trước một lần nữa để đảm bảo. Ước tính chi phí tự kiểm và gửi kiểm của Co.opmart thuộc hàng cao nhất nước so với các hệ thống bán lẻ hiện đại khác.
Với quy trình kiểm soát chất lượng từ nơi trồng đến nhập kho và ngay cả khi sản phẩm được bày bán trên kệ một cách khép kín và chặt chẽ, khách hàng có thể yên tâm về chất lượng của các sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đang kinh doanh tại siêu thị. Mỗi ngày hệ thống Co.opmart tiêu thụ khoảng 120 tấn rau củ quả các loại, trong đó hàng VietGAP chiếm 90%. Nhờ việc phân phối rau VietGAP nên sản lượng đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Là người trực tiếp thực hiện, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhìn nhận, việc triển khai phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, sẽ là một trong những chương trình trọng điểm để TPHCM từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để thành công ngoài sự nỗ lực của các DN, sự triển khai chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sở ngành thì rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó khâu tuyên truyền, vận động để từng bước thay đổi ý thức tiêu dùng của người dân là rất quan trọng. Theo đó, các nhà sản xuất cũng phải thực hiện đúng cam kết, giữ chữ tín về chất lượng, an toàn mới có thể tạo được niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm VietGAP.
HẢI HÀ
|