Kết nối đất Chín Rồng

Từ sau ngày giải phóng, khi những cây cầu huyết mạch hình thành, xóa thế “đò giang cách trở”, vùng trũng ĐBSCL ngày càng chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước...
Kết nối đất Chín Rồng

Từ sau ngày giải phóng, khi những cây cầu huyết mạch hình thành, xóa thế “đò giang cách trở”, vùng trũng ĐBSCL ngày càng chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước...

Cầu Cần Thơ hoàn thành, tạo thêm sức bật để ĐBSCL phát triển. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Dấu ấn vượt sông Tiền, sông Hậu

Điểm nhấn quan trọng nhất chính là cầu Mỹ Thuận được và đưa vào sử dụng năm 2000 và cầu Cần Thơ năm 2010 (cùng nằm trên quốc lộ 1A), đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng trong phát triển giao thông tại ĐBSCL và tạo thêm động lực cho vùng đất Chín Rồng bứt phá.

 Niềm mơ ước bao đời của người dân vùng sông nước Cửu Long đã thành hiện thực. Bên vườn bưởi Năm Roi trĩu quả, lão nông Nguyễn Văn Đầy 76 tuổi, ở xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh (Vĩnh Long) phấn khởi: “Bây giờ cầu đường thông thương nên nông dân mình đỡ lắm. Trước đây khi chưa có cầu Mỹ Thuận, mỗi dịp lễ, tết, xe tải chở hàng hóa từ đây đưa lên TPHCM và miền Đông Nam bộ có khi mất cả ngày trời. Chi phí gia tăng, tốn nhiều thời gian, giảm chất lượng trái cây nên thương lái ép giá lại nhà vườn. Còn bây giờ, trong vòng 3-4 giờ, trái bưởi Mỹ Hòa đã tới chợ đầu mối hoặc có mặt trên kệ của các siêu thị, trung tâm thương mại ở TPHCM rồi”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, nhà đầu tư đánh giá ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thì chính yếu vẫn là điều kiện hạ tầng giao thông. Vĩnh Long nằm giữa cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ. Việc lưu thông sản phẩm hàng hóa, nguyên phụ liệu, vật tư, linh kiện máy móc giữa Vĩnh Long đi TPHCM, Đông Nam bộ cũng như các địa phương vùng nam sông Hậu rất thuận lợi. Hiện Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú giai đoạn 1 của Vĩnh Long đã lấp đầy, giai đoạn 2 đang phát triển tốt. Còn KCN Bình Minh cũng hưởng lợi thế lớn từ cầu Cần Thơ và ven sông Hậu, khi tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp cùng Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc, xây dựng cửa ngõ ra vào quy mô xứng tầm cho khu công nghiệp này để thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Sau bao năm chờ đợi, nhẫn nại qua từng chuyến phà, sáng 19-1-2009, người dân Bến Tre náo nức vui mừng vì cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60, bắc qua sông Tiền nối thông đôi bờ. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bến Tre, cho biết: Cầu Rạch Miễu hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bến Tre đã được phá thế cô lập và trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ năm 2010 đến nay đã có hơn 1.300 doanh nghiệp mới thành lập, 55 dự án trong nước được cấp phép và 24 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bến Tre đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí và nguồn nhân lực để thu hút giới doanh nhân. Đón đầu các cơ hội đầu tư, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư hạ tầng KCN từ năm 2006. Hiện Bến Tre đang quy hoạch xây dựng thêm 5 KCN, quy mô 200-250ha để thu hút đầu tư...

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch của Bến Tre phát triển mạnh mẽ khi cầu đường thông thương. Đặc biệt, nhiều nhà vườn ở Cồn ốc, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nhanh nhạy với lợi thế đặc trưng của địa phương đã tự làm du lịch sinh thái, thu hút rất đông khách. Lão nông Đỗ Thành Thưởng 76 tuổi, được mệnh danh “vua dừa” ở ấp 2 xã Hưng Phong, cho biết: “Tôi là người tiên phong mở cửa vườn dừa 2ha đón du khách ghé chơi. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức hơn 20 loại dừa”. Xã Hưng Phong hiện có trên 700 hộ chuyên sản xuất các mặt hàng giỏ cọng dừa, sản phẩm làm ra rất đẹp mắt dùng để cắm hoa, làm giỏ quà tặng, sản phẩm được nhiều thương lái ký hợp đồng tiêu thụ ở trong và ngoài nước.

Cầu Rạch Miễu nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: HUY PHONG

Sớm hoàn thiện hệ thống giao thông liên hoàn

Để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương, ĐBSCL đang tiếp tục được đầu tư xây dựng nhiều cây cầu quan trọng trên các cung đường huyết mạch để sớm hoàn thiện hệ thống giao thông liên hoàn toàn vùng.

Những ngày này, không khí làm việc trên các công trường xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Cổ Chiên... rất khẩn trương.  Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM), cho biết: Cầu Vàm Cống là một trong năm hợp phần thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng có tổng chiều dài 78km đi qua địa phận các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ (bao gồm cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên và tuyến Mỹ An - Cao Lãnh). Đây là dự án đặc biệt quan trọng để kết nối khu vực phía Tây của ĐBSCL, tạo thành trục giao thông huyết mạch thứ hai song song với quốc lộ 1A...

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định: “Cầu Cao Lãnh kết hợp với cầu Vàm Cống khi đưa vào hoạt động (năm 2017) sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ, mà còn nối kết các tỉnh ĐBSCL. Ngoài ra khi dự án này hoàn thành, hệ thống sân bay Cần Thơ, cảng Cái Cui sẽ được phát huy, đặc biệt tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười sẽ được đánh thức và phát triển từ dự án này”.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA 7) cho biết: Tiến độ xây cầu Cổ Chiên đang được kiểm soát tốt. Công trình đang được thi công suốt ngày đêm để đảm bảo đưa vào sử dụng từ tháng 7-2015. Trong lần trực tiếp kiểm tra công trình xây cầu Cổ Chiên mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh:  “Họp Chính phủ lần nào, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đều hỏi về tiến độ xây cầu Cổ Chiên. Khi dự án hoàn thành sẽ rút ngắn hơn 70km từ Trà Vinh đến TPHCM, nên sớm đưa vào sử dụng ngày nào, lợi cho dân ngày đó”...

Hiện cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu, nối 2 tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng) đang được xúc tiến đầu tư. Đây là công trình huyết mạch trên tuyến quốc lộ 60, được hoạch định là tuyến đường trục ven biển. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía Đông của khu vực Tây Nam bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau....

Rõ ràng, với những nỗ lực đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông (một trong 3 mũi đột phá), ĐBSCL sẽ tạo đà vững chắc để vùng đất Chín Rồng sớm vươn ra hội nhập thế giới, phát triển bền vững.

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL đạt 8,98%; sản lượng lúa ước hơn 25,4 triệu tấn, cá tra trên 800.000 tấn; tôm gần 449.000 tấn. Sản xuất công nghiệp tăng 11,9% so với năm 2013; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 15,2 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 232.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên 561.000 tỷ đồng; thu ngân sách gần 38.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm, xấp xỉ bình quân cả nước.

HUY PHONG

Tin cùng chuyên mục