Mới đây, tại một cuộc họp tư vấn về chính sách thuế, hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng chỉ ra rằng, các chiêu trò sai phạm rất tinh vi. Doanh nghiệp cố tình khai sai mã hàng, chủng loại… để được phân luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế). Trường hợp bị nghi ngờ, họ sẽ khai báo lại, vì biết khó thoát được. Điều này đồng nghĩa cán bộ hải quan phải không ngừng “đấu trí” với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại…
Thế nhưng, hàng gian, hàng giả vẫn tuồn vào nội địa, nhất là các thành phố lớn, do lợi nhuận béo bở. Một tiểu thương nhiều lần qua trực tiếp Quảng Châu (Trung Quốc) lấy hàng chia sẻ rằng, quần áo thời trang bên đó giá mềm, mẫu mã đẹp, chất lượng tùy thuộc kiểu “tiền nào của đó”. Các sản phẩm này khi về TPHCM hoặc các tỉnh sẽ bị đội lên 5 - 6 lần giá ban đầu. Thậm chí, cùng mặt hàng nhưng được đưa vào các cửa hàng thời trang gắn mác “cao cấp”, giá bán đội lên cả chục lần giá gốc. Vẫn biết, hàng trung chuyển qua nhiều công đoạn (tiền tàu, xe chuyên chở các loại…), chi phí nâng lên, nhưng với cách làm “mua tận gốc, bán tận ngọn” thì tiểu thương vẫn sống tốt. Trong đó, các thương hiệu quần áo thời trang, kiếng mát làm nhái sản phẩm nổi tiếng của nước ngoài vẫn được khách hàng ưa chuộng vì giá cả phù hợp túi tiền của đại đa số người dân.
Đáng chú ý, ngay các sàn thương mại bán hàng nổi tiếng như Lazada, Shopee… cũng từng nhiều lần bị khách hàng tố bán hàng giả, hàng nhái. Tất nhiên, lỗi thuộc về chính các sàn này do sơ suất, không kiểm soát hết nguồn hàng rao bán. Nhưng mặt khác, cũng trách người tiêu dùng đã tiếp tay cho gian thương để hại chính mình. “Thử hỏi, có chai nước hoa xịn nào giá vài chục ngàn, hoặc thỏi son chính hãng mang thương hiệu của Pháp, Mỹ nhưng giá chưa tới 100.000 đồng; hay đôi giày hàng hiệu từ Anh có giá chỉ từ 250.000 - 300.000 đồng?”, một trưởng phòng của công ty thương hiệu Mỹ tại Việt Nam bức xúc.
Thực tế, hàng giả, hàng nhái “tấn công” thị trường gây hệ quả khó đo đếm hết được, mà thất thoát về thuế là điển hình. Nguy hiểm hơn, gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng. Ví dụ như, hiểm họa từ mỹ phẩm giả (gây kích ứng da, bong tróc, cháy nám), thuốc giả…
Thêm nữa, trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, ràng buộc chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, khiến doanh nghiệp vi phạm dễ bị trừng phạt thương mại. Do vậy, theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tẩy chay hàng dỏm. Cần lan tỏa thông điệp “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tất nhiên điều kiện đi kèm là hàng Việt phải đảm bảo chất lượng. Song song đó, các cơ quan chuyên trách bao gồm quản lý thị trường, hải quan, công an kinh tế sớm bắt tay giám sát đối tượng vi phạm thông qua các phần mềm điện tử thông minh. Qua đó góp phần giảm bớt sức người, tăng hiệu quả cũng như chất lượng công việc.