Tính đến ngày 18-9, đã có 531 doanh nghiệp (DN) đến từ 35 tỉnh thành của cả nước đăng ký tham gia trưng bày hàng hóa trong khuôn khổ hội nghị. Cụ thể, có 409 DN 34 tỉnh thành đăng ký tham gia trưng bày hàng hóa tại 232 gian hàng và 122 DN TPHCM đăng ký tham gia trưng bày hàng hóa tại 224 gian hàng. Có 9 hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TPHCM đăng ký tham gia khu vực kết nối cung cầu hàng hóa, gồm Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Lotte Mart, Big C, Aeon Citimart, Aeon Việt Nam, MM Mega Market, Bách hóa Xanh, Emart và các DN xuất nhập khẩu có nhu cầu kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối.
Hội nghị năm nay tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa TPHCM với các địa phương trên cả nước; tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường thành phố, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng xuất khẩu.
Theo Sở Công thương TPHCM, để hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa đạt kết quả cao, sở đã cập nhật thông tin các DN uy tín của các địa phương trên website www.ketnoicungcau.vn và cung cấp danh sách sản phẩm, doanh nghiệp thành phố uy tín, đôn đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn tìm hiểu thông tin, lựa chọn nhà cung ứng tiềm năng. Qua tìm hiểu thực tế tại hội nghị, các đơn vị lựa chọn nhà cung ứng tiềm năng, trực tiếp đàm phán, tiến đến ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng thực hiện. Bên cạnh đó, sở cũng hỗ trợ các DN tiếp xúc, làm việc, đàm phán trực tiếp với các hệ thống phân phối tại khu vực kết nối.
Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ được ký kết từ năm 2011. Đến tháng 3-2016, sở công thương các tỉnh thành tiếp tục ký bản thỏa thuận hợp tác công thương giai đoạn 2016-2020.
Để triển khai hiệu quả, sở công thương các tỉnh thành đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, phân công đầu mối liên lạc, trao đổi thông tin, phối hợp sở ngành liên quan tổ chức các đoàn công tác nghiên cứu, trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước, quy hoạch ngành, hợp tác đầu tư, liên kết trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ; tham gia các hội thảo, sự kiện do các tỉnh thành, Bộ Công thương tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng của chương trình.
Trong lĩnh vực thương mại, chương trình tập trung thực hiện các nội dung: Phối hợp thực hiện Chương trình bình ổn thị trường; kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường (nếu có); hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN các bên đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường. Phối hợp phát triển hệ thống phân phối, xây dựng các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối.
Phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương, ưu tiên hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; hướng đến xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản, đặc sản ở từng địa phương, vùng miền; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.