Kết nối mới từ Mekong Connect

Mekong Connect là Diễn đàn thường niên của doanh nhân, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia và các đối tượng quan tâm sự phát triển vùng ĐBSCL. Từ sáng kiến thành lập ABCD Mekong năm 2015 với sự tham gia của 4 địa phương An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đến nay đã trải qua 7 lần tổ chức, trở thành một Mekong Connect “+” với sự tham gia tích cực của TPHCM, sự bảo trợ của Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Mekong Connect 2022 với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”, hướng đến các kết nối thực chất dựa trên sự phân công, phân vai của từng địa phương trong vùng. Theo đó, TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm đầu mối tổng hợp, cùng với TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước, cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra “1 trục phát triển, 2 nút kép”. Nhìn từ thế mạnh của vùng nông nghiệp, thủy sản trọng điểm quốc gia ĐBSCL, Cần Thơ đang ưu tiên cho chức năng chính là thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản.

An Giang với lợi thế của một địa phương cửa ngõ Tây Nam giáp Campuchia, phát huy vai trò kinh tế biên mậu, vùng lúa chất lượng cao với đề xuất xây dựng trung tâm lúa gạo vùng. Đồng Tháp tập trung cho chuyển đổi số, đặc biệt là kinh tế số gắn với thế mạnh nông nghiệp, thủy sản nước ngọt, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bến Tre tập trung phát triển chuỗi giá trị cây ăn trái, kinh tế tuần hoàn, phát huy lợi thế kinh tế biển và vai trò của một “nút kép” kết nối với TPHCM trên trục hành lang kinh tế ven Biển Đông.

Những liên kết mới từ Mekong Connect 2022 là rất đáng ghi nhận, nhưng để diễn đàn thiết thực hơn nữa, không chỉ là diễn đàn nói, đề xuất sáng kiến, quảng bá hình ảnh và cam kết cùng nhau mà phải thực sự là diễn đàn phối hợp hành động, có đánh giá kết quả thực thi sáng kiến, cần phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình liên kết và triển khai hành động dựa trên 4 trụ cột: Quy hoạch vùng với việc bố trí không gian phát triển, liên kết thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực và các nguồn lực phát triển.
Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị vùng, các tiểu vùng, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển. Các trục kết nối của Mekong Connect chính là những mảng màu đa sắc trong bức tranh chung của vùng ĐBSCL. Vì vậy, ngoài các ưu tiên của 4 địa phương, cần quan tâm 4 vấn đề. Cụ thể, xây dựng cơ chế, chính sách liên kết các tiểu vùng, nội vùng và liên vùng với TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế điều phối vùng của Hội đồng điều phối vùng; hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng gắn với việc hình thành Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL và 8 trung tâm đầu mối nông sản tại các tỉnh.
Tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là nguồn lực tư nhân và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài từ nguồn FDI, ODA, NGO.
Bên cạnh đó, xây dựng, cập nhật và hệ thống hóa số liệu, cơ sở dữ liệu nông nghiệp, thủy sản, dữ liệu liên ngành. Tăng cường điều tra cơ bản để cập nhật đầy đủ các thông tin, dữ liệu vùng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và vận hành Trung tâm thông tin dữ liệu vùng đặt tại Cần Thơ để bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, kịp thời cho việc ra quyết định của Hội đồng điều phối vùng và chính quyền địa phương.
Cuối cùng là liên kết phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và khoa học, công nghệ. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành lợi thế của vùng và tăng cường đào tạo, thu hút số lao động trẻ có trình độ chuyên môn, tay nghề, trên cơ sở gắn kết hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư cho vùng.

Tin cùng chuyên mục