Kết nối năng lượng sạch

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing đã khẳng định một mạng lưới kết nối điện năng của khu vực là một trong bốn biện pháp mà Singapore sẽ khai thác và tận dụng nhằm hỗ trợ “giảm khí thải carbon” cho hệ thống điện năng của nước này, vốn phụ thuộc hầu hết vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu.

Bộ trưởng Năng lượng Malaysia Yeo Bee Yin cũng cho hay nước này đang có những cuộc thảo luận với phía Singapore về vấn đề cung cấp điện năng xuyên quốc gia. Malaysia hy vọng sẽ hoàn thành hệ thống truyền tải điện năng mới có công suất 550MW với Singapore trong năm nay và thêm một hệ thống tương tự trong năm 2020. Malaysia hiện đã có kết nối điện năng với Thái Lan, còn Thái Lan cũng có kết nối truyền tải điện năng với Lào. Ý tưởng kết nối hệ thống truyền tải điện năng trên toàn khu vực Đông Nam Á đã được đưa ra từ hơn 20 năm trước nhưng chưa thành hiện thực, do chưa có sự  phối hợp giữa các chính phủ cũng như thiếu các nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Để biến ý tưởng thành hiện thực, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng SP Group, thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore, ông Wong Kim Yin, cho biết tập đoàn này muốn được xây dựng và kết nối hơn nữa mạng lưới điện năng với các nước láng giềng, cụ thể là Malaysia và Indonesia, nhằm khai thác và tận dụng tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo của các quốc gia này. Việc mở rộng kết nối mạng lưới truyền tải điện với các nước láng giềng này sẽ giúp Singapore sử dụng được năng lượng sạch ngay cả khi nước này không có đủ điều kiện và khả năng sản xuất.

Ông Wong Kim Yin cho hay pháp luật hiện hành của Singapore quy định việc sử dụng sự kết nối điện năng hiện tại giữa Singapore và Malaysia chỉ được tiến hành trong những trường hợp khẩn cấp. Theo ông Wong Kim Yin, một thỏa thuận song phương giữa hai chính phủ có thể cho phép ngay lập tức việc truyền tải điện năng giữa hai nước và bắt đầu một xu hướng về kết nối mạng lưới điện năng quốc tế rộng lớn hơn.

Ngoài ra, ông Wong Kim Yin cũng đề cập đến một số biện pháp thúc đẩy sử dụng điện năng sạch khác như việc SP Group đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi các phương tiện sử dụng điện năng tại Singapore thông qua việc hoàn tất xây dựng 1.000 trạm sạc điện vào cuối năm 2020, từ con số 200 trạm hiện nay. Với diện tích đất ít ỏi, Singapore cũng phát triển các dạng sản xuất năng lượng mới trên mặt nước. Năm 2016, SERIS, EDB và Ủy ban Nước quốc gia PUB đã thử nghiệm tấm pin Mặt trời nổi trên mặt nước lớn nhất trên thế giới ở hồ chứa Tengeh. Năng lượng được tạo ra từ tấm pin thử nghiệm có thể cung cấp cho 12.500 căn hộ 4 phòng. Hiện nay, PUB đang tiến hành kiểm tra ảnh hưởng của hệ thống thử nghiệm này đối với các bể chứa của Singapore.

Những mô hình thương mại mới đối với các sản phẩm năng lượng Mặt trời đang rất phát triển ở Singapore. Julius Tan, Giám đốc sáng lập của nền tảng bán lẻ năng lượng mặt trời Electrify.sg và là nhà nghiên cứu năng lượng có thâm niên, cho rằng, sẽ ngày càng có nhiều người ý thức được lợi ích của năng lượng sạch và sự chuyển dịch mạnh mẽ trong nhu cầu năng lượng sẽ cho phép các chủ hộ chọn nhà cung cấp năng lượng cho mình. Điều này tạo ra nhu cầu lớn hơn về năng lượng sạch và nâng cao khả năng cạnh tranh của các bên. Đó là tương lai của năng lượng sạch của Singapoe nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Tin cùng chuyên mục