Kết quả cung ứng hàng hóa bình ổn Tết Giáp Ngọ 2014: Hàng phong phú, giá ổn định

Sở Công thương vừa báo cáo UBND TPHCM về kết quả thực hiện và tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn TPHCM.
Kết quả cung ứng hàng hóa bình ổn Tết Giáp Ngọ 2014: Hàng phong phú, giá ổn định

Sở Công thương vừa báo cáo UBND TPHCM về kết quả thực hiện và tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn TPHCM.

Lượng tăng, giá giảm

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm 2013 là năm đầu tiên TPHCM không thực hiện ứng vốn từ ngân sách để dự trữ hàng hóa cung ứng cho thị trường, thay vào đó, TP đã kết nối giữa các ngân hàng với DN để hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi 6%/năm. Tính đến cuối năm 2013, các DN đã vay 1.176,9 tỷ đồng (trong tổng nguồn vốn 1.960 tỷ đồng từ 5 ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các DN bình ổn năm 2013) để thực hiện công tác chuẩn bị nguồn hàng.

Theo đó, lượng hàng hóa TP giao cho DN thực hiện bình ổn chiếm từ 30% - 40% tổng lượng hàng hóa luân chuyển trên thị trường. Tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cung ứng Tết Giáp Ngọ 2014 là 7.581,7 tỷ đồng (tăng 2.184,5 tỷ đồng (40,5%) so với Tết Quý Tỵ 2013). Trong đó, tổng giá trị hàng hóa nguồn hàng bình ổn thị trường 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng (62,17%) so với Tết Quý Tỵ 2013.

Kết quả, các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn đã phủ khắp địa bàn thành phố, đáp ứng cung cầu tiêu dùng tết, đảm bảo chi phối và dẫn dắt giá cả, ổn định thị trường. Nhiều mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn đã cung ứng vượt kế hoạch TP giao như thịt gia súc (vượt 20,6%) tăng 11,3% so với cùng kỳ; thịt gia cầm tăng bình quân trên 25% (lượng gà ta tăng gần gấp đôi, gà thả vườn tăng khoảng 30%); trứng gia cầm cung ứng trong tháng tết khoảng 38 triệu quả, tăng hơn 25%; rau củ quả đạt 9.151 tấn, tăng 152% so với Tết 2013….

Tất cả các nhóm hàng trong chương trình bình ổn được giữ giá ổn định, các hệ thống phân phối kết hợp với các nhà cung cấp và DN tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, đồng thời giảm giá sâu trong những ngày cận tết, cụ thể: Thịt gia súc giảm từ 6.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg (giá còn 63.000 đồng/kg đến 80.000đ/kg, thịt đùi 72.000 đồng/kg); thịt gia cầm giảm 2.000 đồng/kg (gà thả vườn 61.000 đồng/kg, gà ta 120.000 đồng/con trong khi giá ngoài thị trường từ 150.000 đồng/kg đến 170.000 đồng/kg); trứng vịt giảm 1.000 đồng/vỉ 10 trứng còn 32.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng gà giảm 2.000 đồng/vỉ 10 trứng còn 23.000 đồng/vỉ 10 trứng. 

Bên cạnh các DN bình ổn, các DN sản xuất - kinh doanh các mặt hàng phục vụ tết (bia, rượu, nước giải khát, bánh, kẹo…) cũng chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 20% - 30% so ngày thường, đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng dồi dào và cam kết giữ giá ổn định, giá vào thời điểm cận tết có xu hướng giảm.

Kết quả cung ứng hàng hóa bình ổn Tết Giáp Ngọ 2014: Hàng phong phú, giá ổn định ảnh 1

Hàng hóa thiết yếu bán tại các chợ từ mùng 2 Tết dồi dào, giá cả ổn định.Ảnh: PHẠM CAO MINH

Kiểm soát tốt về giá

Với việc chuẩn bị lượng hàng đầy đủ, phong phú, hệ thống phân phối phát triển mạnh và phủ rộng khắp địa bàn TP, cùng với kế hoạch tăng cường tổ chức các chuyến bán hàng lưu động. Các DN bình ổn thị trường đã góp phần dẫn dắt, ổn định giá cả thị trường, hạn chế việc tùy tiện nâng giá tại các chợ truyền thống.

Biểu hiện rõ nhất, trong những ngày cận tết, lợi dụng sức mua tăng cao, một số tiểu thương tại chợ truyền thống đã nâng giá trứng gia cầm lên trên 35.000 đồng/chục, theo đó mặt hàng thịt gia súc có dấu hiệu tăng giá cục bộ vào sáng 30 Tết (thịt heo ba rọi giá 130.000 đồng/kg - 145.000 đồng/kg). Sở Công thương đã kịp thời yêu cầu Công ty Ba Huân, Công ty Vissan đưa xe bán hàng lưu động đến các chợ như: chợ Bà Chiểu, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hữu Trang, Bình Thới… cung ứng hàng bình ổn kịp thời cho tiểu thương và bán hàng tại chỗ, nhờ đó giá cả ổn định trở lại.

Mặt khác, để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ, gây sốt giá, cùng với việc đưa hàng bình ổn đến 7.783 điểm bán (trong đó riêng chương trình bình ổn hàng lương thực, thực phẩm có 3.845 điểm bán) thì 3 nhóm DN trong chương trình đã thực hiện 338 chuyến bán hàng lưu động trước, trong và sau tết. Riêng tháng 1-2014, các đơn vị đã thực hiện 199 chuyến, tăng 17 chuyến so với kế hoạch, chủ yếu tập trung tại các quận ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân... Tết Giáp Ngọ vừa qua, Saigon Co.op cũng tham gia thực hiện chương trình bình ổn thị trường tại 10 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng số vốn khoảng 80 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra giá (Sở Tài chính) đã phối hợp với các sở - ngành và 4 tổ kiểm tra Chương trình Bình ổn thị trường thực hiện việc kiểm tra về hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu; an toàn thực phẩm; niêm yết giá; kiểm dịch thú y, vận chuyển gia súc, gia cầm… để ổn định thị trường, giá cả. Tính riêng trong tháng 1-2014, Chi cục Quản lý thị trường và các sở - ngành đã tiến hành kiểm tra 1.396 vụ (trong đó có 379 vụ kiểm tra chuyên ngành và 1.017 vụ kiểm tra liên ngành), xử lý vi phạm 850 trường hợp.

Ghi nhận chung về thị trường Tết Giáp Ngọ 2014, bà Lê Ngọc Đào cho biết, hàng hóa cung ứng ra thị trường dồi dào, phong phú, giá cả ổn định, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sức mua trong dịp tết vừa qua đã tăng từ 10%- 15% so với Tết Quý Tỵ 2013. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các sở - ngành và các DN trong việc phối hợp điều hành, triển khai đồng bộ công tác tổ chức chăm lo tết trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

HẢI HÀ - ĐỒNG HÙNG

Tin cùng chuyên mục