Vừa qua, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra hội nghị sơ kết hai năm Chương trình hợp tác giữa các trung tâm xúc tiến thương mại - đầu tư các tỉnh, thành phía Nam (2014-2015). Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa và Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm chủ trì hội nghị.
Khách hàng TPHCM đang chọn mua các loại đặc sản mứt của Lâm Đồng. Ảnh: NGUYỄN DU
Chưa thực chất
Trong hai năm qua, các Trung tâm Xúc tiến thương mại - Đầu tư (gọi tắt là Trung tâm) tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, đoàn xúc tiến thương mại - đầu tư, khảo sát thị trường, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, huấn luyện - đào tạo, trong đó có nhiều chương trình cấp vùng và các sự kiện thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thực hiện hàng trăm phiên chợ hàng Việt, kết nối cung - cầu hàng hóa cho doanh nghiệp (DN), đưa hàng vào các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối.
Những nỗ lực đó đã đạt được một số kết quả: số lượt DN, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư tăng lên; tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định; thương hiệu sản phẩm của DN được nhận diện rộng khắp cả nước... Từ đó, DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, các đơn vị tham dự hội nghị cũng nhìn nhận, còn những hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư. Các hội chợ triển lãm được tổ chức nhiều ở các tỉnh, thành nhưng cách đánh giá thành công chủ yếu dựa trên số lượng người đến tham quan, mua sắm tiêu dùng, chứ chưa có định hướng thị trường mục tiêu, chưa đưa ra thông điệp thị trường. Khách mời đến hội chợ triển lãm cũng có nhiều DN chưa thật sự đúng đối tượng để nhà sản xuất tiếp cận tiêu thụ sản phẩm bán buôn, tìm được hợp đồng thương mại. Thông tin thị trường gắn kết hàng hóa đến đúng nhu cầu tiêu dùng chưa nhiều.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm An Giang, băn khoăn về việc An Giang sản xuất nhiều rau màu và chăn nuôi bò thịt số lượng lớn, nhưng vào chợ đầu mối hay các kênh phân phối rất khó khăn. Riêng về bò thịt chưa vào được TPHCM, ngay cả với các DN chuyên giết mổ, phân phối thịt như Vissan cũng không kết nối được. Các vùng nuôi bò thịt tại Bến Tre cũng rơi vào tình trạng tương tự cho dù bò được nuôi theo đúng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của ngành hướng dẫn. Theo ông Trương Trọng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long, trước mắt phải làm sao tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hiện có và phát triển thêm mặt hàng mới và để tiêu thụ thật tốt ở thị trường của 21 tỉnh, thành trong liên kết xúc tiến thương mại, sau đó mới đẩy mạnh ở các địa phương khác. Để làm được việc này, TPHCM và Cần Thơ phải đóng vai trò chủ lực. Nhiều ý kiến chia sẻ, về ưu đãi đầu tư, chính sách ở các địa phương không khác nhau bởi cùng thực hiện theo Luật Đầu tư, chỉ hơn nhau ở chính quyền có tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, thể hiện sự năng động của lãnh đạo địa phương và các bộ phận phục vụ nhà đầu tư có nhạy bén, giải quyết nhanh chóng thủ tục, tích cực tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.
Phải nắm rõ thực tế mới xúc tiến hiệu quả
Định hướng các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư giai đoạn 2016-2020, các tỉnh, thành đều xác định những chương trình của từng địa phương cần có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ để nâng tầm các hoạt động, cũng như giúp DN có thêm cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường. Các sự kiện, hoạt động xúc tiến cần được lựa chọn để nêu bật thế mạnh của từng địa phương, có sự luân phiên giữa các tỉnh, thành với nhau.
Về xúc tiến thương mại, các đại biểu đề nghị nên tổ chức cuộc khảo sát thị trường hàng tiêu dùng của 21 tỉnh, thành phía Nam để xác định thị phần hàng nội địa và hàng ngoại nhập hiện diện trên thị trường. Từ đó đưa ra phân tích, định hướng và giải pháp để củng cố thị trường nội địa, tham mưu cho lãnh đạo các địa phương hoạch định chính sách đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Còn, Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long, cho rằng cần tìm hiểu nhu cầu người dân để có định hướng mặt hàng chủ lực cho từng hội chợ triển lãm, nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương hoặc của những địa phương có hàng hóa tương đồng, tạo nhu cầu kết nối tiêu thụ, phân phối đúng đối tượng. Mặt khác, rút kinh nghiệm những cuộc kết nối cung cầu trước đây, có nhiều DN ký kết nhưng khi đi vào giao thương thật sự thì không thực hiện được vì nhiều nguyên nhân. Trên thực tế, chỉ 10% - 20% những ký kết được thực hiện. Để nâng chất lượng kết nối, các nhà tổ chức phải nắm được nhu cầu hàng hóa, nắm thông tin thực tế kỹ hơn khi xác định cung - cầu. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Quang đề xuất 21 tỉnh, thành cần ngồi lại để làm rõ những phân vùng sản xuất nông nghiệp hiện tại, xem từng khu vực có khả năng cung ứng như thế nào để tránh trùng lắp trong sản xuất khiến việc tiêu thụ khó khăn. Việc liên kết thông tin giá cả thị trường ở từng địa phương để nhà sản xuất có thể nắm bắt tình hình thị trường, giúp việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn cũng được các đại biểu đề cập
Về phía TPHCM, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm ITPC, cho biết sẽ phối hợp tổ chức chương trình “Tuần lễ sản phẩm và thiết bị của TPHCM” tại các tỉnh, thành phía Nam; chương trình Hội chợ triển lãm Vật liệu xây dựng giữa TPHCM và các tỉnh, thành lân cận; tham gia hoặc phối hợp tổ chức đoàn khảo sát thị trường các nước có nhu cầu tiêu thụ mặt hàng nông thủy sản, trái cây của Việt Nam, tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các KCN - KCX tại TPHCM hoặc các tỉnh nhằm đưa đặc sản từng vùng miền đến tận tay người tiêu dùng.
Bên cạnh xúc tiến thị trường trong nước, 21 tỉnh, thành sẽ liên kết tiếp tục phát triển thị trường nước ngoài, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada; tạo bước đột phá mở rộng sang thị trường có tiềm năng tại khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ.
Các địa phương sẽ phối hợp tổ chức hội nghị đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long, hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, KCN thuộc tỉnh, thành phía Nam tại TPHCM. Ngoài ra, TPHCM sẽ là đầu mối tổ chức chương trình học tập kinh nghiệm, tìm hiểu môi trường của các địa phương có kinh nghiệm thu hút đầu tư cao nhất trong nước.
* Phó Chủ tịch UBND TPHCM LÊ VĂN KHOA: Xóa dần địa giới hành chính trong xúc tiến Tính đến nay, DN TPHCM có 75 dự án đầu tư vào 19 tỉnh, thành phía Nam với trị giá khoảng trên 28.000 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, về mặt kết nối cung - cầu hàng hóa, đã có 1.349 hợp đồng giữa các DN TPHCM ký với DN các địa phương, trị giá trên 20.000 tỷ đồng. Để liên kết ngày càng thực chất và hiệu quả, tôi đề nghị từ năm 2016 liên kết phải đặt ra mục tiêu. Nếu như an toàn thực phẩm hiện nay là một vấn đề đang bức xúc nhất thì có thể lấy đó làm mục tiêu liên kết. Tôi giao cho Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp cùng Tiền Giang tổ chức hội nghị kết nối các sản phẩm chất lượng GlobalGAP, VietGAP tại TPHCM, đưa nông sản đạt tiêu chuẩn của Tiền Giang đi vào các hệ thống phân phối. Một chương trình xúc tiến thương mại mà TPHCM chú trọng trong thời gian tới là đưa các sản phẩm chế biến chất lượng tốt của các DN TP về các tỉnh, đi vào thẳng các nhà phân phối đầu cuối, giảm các tầng nấc trung gian, để đến tận tay người tiêu dùng với giá thấp nhất. Tôi đề nghị trong tháng 6-2016, ITPC chủ trì cùng Sở Công thương TPHCM có thể chọn An Giang liên kết làm thí điểm, vì An Giang có lượng hàng xuất qua biên giới chiếm 60% trong 10 cặp cửa khẩu Việt Nam - Campuchia. Các Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư nên dần xóa đi địa giới hành chính trong liên kết, cần nghiên cứu để hình thành cơ sở dữ liệu về các vấn đề đầu tư, thương mại của 21 tỉnh, thành (tạm gọi mô hình 1 + 20), cố gắng hoàn thành trong năm 2016. Dữ liệu này dùng chung và cập nhật thường xuyên để sử dụng. Điều này có lợi là các đoàn khách trong nước và quốc tế có thể tìm hiểu cùng lúc được thông tin của nhiều địa phương, cũng như đi xúc tiến thương mại và đầu tư ra nước ngoài thì mỗi tỉnh đều có thể dùng những thông tin này giới thiệu cho nhau. * Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại BÙI THỊ THANH AN: Cần xác định thế mạnh của từng địa phương Các tỉnh, thành đã tranh thủ các nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động xúc tiến, nhưng năng lực chưa đồng đều, các hoạt động còn riêng lẻ, chưa tạo sức mạnh chung, chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm vùng miền cũng chưa được chú trọng. Các hoạt động xúc tiến thương mại chưa cụ thể và mang tính dài hạn. Cần đẩy mạnh công tác khảo sát, nghiên cứu và định hướng thị trường, xác định sản phẩm thế mạnh của địa phương thì mới có thể xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị gia tăng ổn định, bền vững. Khó khăn của các trung tâm xúc tiến là có khi đi xúc tiến nhưng về địa phương thì vướng các cơ chế, không được sự đồng thuận của các sở, ngành, vì vậy cần tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo, sự phối hợp của các sở ngành. Công tác truyền thông, thông tin cần được chú trọng hơn, kể cả cách xử lý thông tin để định hướng cho nhà sản xuất. |
VÂN KHÁNH - UYỂN NHƯ