* Môn Địa: Tiếp tục khẳng định chủ quyền biển đảo
* Chưa đủ cơ sở dự báo điểm sàn các khối
* Cuối tháng 7 sẽ công bố điểm thi
>> Nghi vấn đề Toán bị đưa ra sớm: Công an đang điều tra
(SGGPO).- Ngày 10-7, các thí sinh (TS) làm bài thi môn cuối, kết thúc 2 đợt thi ĐH căng thẳng cả trong phòng thi lẫn dư luận xã hội. Dù có gặp rắc rối về quy chế bổ sung liên quan đến các thiết bị công nghệ cao được phép mang vào phòng thi, nhưng nhìn chung kỳ thi diễn ra trong trật tự, nghiêm túc, không có sai sót về nội dung đề, cũng như bảo đảm đề thi tuyệt mật. Đáng chú ý, đề thi năm nay được đánh giá cao về cách ra đề bám sát thực tế cuộc sống, không vượt khung chương trình học và mang tính phân loại cao để lựa ra khoảng 30% số TS vào giảng đường ĐH. Trước mắt còn một kỳ thi CĐ (diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-7), nhưng Bộ GD-ĐT có thể thở phào nhẹ nhõm về khâu tổ chức thi quốc gia sau vụ việc Đồi Ngô tại kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Môn Hóa: Đề thi vừa sức, thí sinh phấn khởi
Kết thúc môn thi cuối cùng của khối B, nhiều TS bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng phấn khởi, tự tin vì đề Hóa không quá khó, rất dễ lấy điểm, so với năm trước có phần đơn giản hơn. Tuy nhiên, để có thể đạt điểm tối đa đòi hỏi TS ngoài việc bám chắc kiến thức SGK còn cần có kỹ năng làm các bài tập nâng cao.
Cuối tháng 7 sẽ công bố điểm thi Theo nhiều trường dự kiến đến cuối tháng 7, sẽ hoàn tất chấm thi và công bố điểm thi tuyển sinh ĐH năm 2012. |
Tại Hội đồng thi ĐH Y Hà Nội, nhiều TS cho biết với sức học trung bình khá, lấy được 5-6 điểm là điều quá đơn giản. Còn nếu học lực loại khá thì điểm 7-8 cũng không quá khó khăn. Nhưng để đạt được điểm 9-10 Hóa đòi hỏi TS phải tính toán nhiều vì đề thi vẫn có 2-3 câu khá phức tạp, dành cho học sinh giỏi.
Theo TS Nguyễn Thị An, THPT Hải Hậu A, Nam Định, dự thi vào ĐH Y Hà Nội trong các môn, em làm bài môn Hóa tốt nhất. “Đề thi năm nay tương tự với năm ngoái. Em đã ôn luyện trước khi đi thi đại học nên toàn bộ số câu hỏi trong đề ra đều làm được. Trong số 50 câu, có 5 câu thuộc dạng nâng cao để phân loại TS. Em làm bài còn thời gian nhưng để đạt điểm cao nhất, em vẫn ở lại phòng thi cẩn thận rà lại nhiều lần từng câu”.
Nhiều TS khác cũng đồng tình với đánh giá trong ba môn thi khối B, môn Hóa dễ kiếm điểm nhất. Nhưng thật ra khó, dễ cũng vô chừng, như tại TPHCM, nhiều TS nhận định, môn Hóa khối B năm nay khó ngang ngửa môn Hóa khối A. TS cần nhớ rộng vì kiến thức trải dài từ lớp 10 đến lớp 12.
TS Ngọc Huyền thi vào ngành Sư phạm Hóa học của Trường ĐH Sư Phạm TPHCM nói: “Các câu lý thuyết không đòi hỏi suy nghĩ nhiều nhưng vẫn có nhiều “bẫy”. Phần bài tập, các dạng bài không khó nhưng đòi hỏi TS phải áp dụng nhiều công thức tính toán, dễ nhầm lẫn. Em làm được khoảng 60% đề thi nhưng chỉ chắc chắn được khoảng 40% thôi”.
Môn Địa: Tiếp tục khẳng định chủ quyền biển đảo
Với môn Địa khối C, đề thi được TS đánh giá tổng hợp nhiều kiến thức, đòi hỏi phải có tư duy tốt mới đạt điểm cao. Theo nhận định của một số TS, đề Địa năm nay dễ hơn so với năm ngoái, mang tính thực tiễn cao, chạm đến các vấn đề nóng về kinh tế - chính trị - xã hội, được nhiều người quan tâm. Kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình SGK lớp 12, phần bài tập khá đơn giản vì không phải xử lý số liệu, cách hỏi trong đề rõ ràng nên học sinh chỉ cần đọc đã hiểu và “nhắm trúng” dạng biểu đồ, ít bị nhầm lẫn như các năm trước.
Tiếp sau đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012, đề Địa thi ĐH tiếp tục đề cập đến vấn đề biển đảo, vấn đề đang rất thời sự hiện nay. Phần riêng (2 điểm) là một câu hỏi thú vị khi ở chương trình chuẩn, đề thi yêu cầu TS chứng minh rằng vùng biển nước ta giàu tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển.
Đề thi cũng hỏi TS các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn, Cồn Cỏ thuộc tỉnh thành nào? Nhiều TS tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội hào hứng cho biết trúng tủ ở câu hỏi về biển đảo. Nhiều em nghĩ chắc chắn có câu hỏi về biển, đảo nên ra sức ôn tập và nhờ đó có thể được 7-8 điểm ở môn thi này. Thời gian qua báo chí nói nhiều về vấn đề biển đảo nên khi học Địa, thầy cô giáo cũng lưu ý học sinh cần quan tâm.
“Với câu hỏi đề Địa năm nay, nếu bạn nào không học kỹ về các huyện đảo cũng khó nhầm lẫn vì thời gian vừa qua xem thời sự và đọc báo đều đề cập nhiều đến các huyện đảo. Ví trí của các huyện đảo chắc bạn nào cũng biết”, TS Nguyễn Văn Nam đến từ THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội, dự thi vào Học viện An ninh Nhân dân cho biết. Em cũng chia sẻ, trong câu hỏi về Hoàng Sa, Trường Sa, ngoài yêu cầu của đề bài, em còn phân tích thêm một số chính sách về phát triển kinh tế biển, sản lượng hải sản trong thời gian qua tại hai quần đảo này.
Nhìn chung, các TS ra khỏi phòng thi với tâm lý nhẹ nhàng, nhiều bạn khẳng định có thể đạt được điểm cao. Bạn Hữu Phúc, thi vào ngành Luật Dân sự của Trường ĐH Luật TPHCM cho biết trong suốt quá trình ôn, vấn đề biển đảo được các thầy cô rất chú trọng và bắt buộc học kỹ.
Dù đề Địa mới dừng lại ở việc yêu cầu TS xác định các huyện đảo của Việt Nam thuộc tỉnh nào nhưng đã góp phần giáo dục cho giới trẻ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong bối cảnh vấn đề biển Đông đang “nóng” hiện nay, nhất là khi Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, các địa danh anh hùng của Việt Nam lại được cất lên: Cồn Cỏ, Vân Đồn, Trường Sa, Hoàng Sa vô cùng ý nghĩa.
- Môn Anh khối D: Không quá khó
Kết thúc môn tiếng Anh của khối D, nhiều TS cũng ùa ra ngoài với nét mặt thoải mái, một phần vì các em đã kết thúc kỳ thi căng thẳng, một phần vì đề tiếng Anh được các em đánh giá là không quá khó. Vì môn cuối, nên các TS rất thận trọng, gần như không có TS ra ngoài phòng thi sớm như một số môn thi trước đó. Nhiều TS dự thi tại điểm thi trường ĐH Hà Nội nhận định, dù khó hơn nhiều so với đề tiếng Anh khối A1, tuy nhiên đề tiếng Anh khối D năm nay cũng chỉ tương đương với mọi năm, học sinh khá giỏi đạt 7-8 điểm, tuy nhiên để đạt điểm tuyệt đối không dễ.
Nhận xét đề
Đề Địa lý vừa sức
Nội dung đề thi nằm trọn vẹn trong nội dung chương trình sách giáo khoa Địa lý lớp 12 ở cả chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Đề thi có sự kết hợp cân đối giữa kiểm tra kiến thức và kỹ năng. Đề thi vừa sức, trải rộng từ tự nhiên Việt Nam, các ngành kinh tế, vùng kinh tế. Câu III yêu cầu về Sản lượng nuôi trồng gia tăng nhanh so với sản lượng khai thác, ở đây thể hiện giáo dục nhận thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Câu IV.a là câu hỏi về tài nguyên khoáng sản và nguồn lợi sinh vật biển, sát với vấn đề thực tế sinh động hiện nay. Đặc biệt, đề cập đến các huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa… một lần nữa khẳng định chủ quyền về vùng biển đảo của nước ta. Câu IV.b yêu cầu trình bày thế mạnh về mặt tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, tuy nhiên nếu không có sự tác động của con người thì tiềm năng về mặt tự nhiên cũng không thể mang đến nguồn lợi lớn cho đất nước.
Nguyễn Đăng Lợi
(Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn - TPHCM)
Đề Anh văn hay
Phải nói rằng đề thi Anh văn khối D năm nay rất hay, phù hợp với cấu trúc do Bộ GD-ĐT quy định, trải đều từ ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Phần từ vựng đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết khá rộng (từ đồng nghĩa, phản nghĩa và đặc biệt là những thành ngữ…) thì mới đưa ra được đáp án chính xác.
Phần đọc hiểu, ở bài số 1 với nội dung liên quan đến vấn đề giao thông ở nước Hoa Kỳ và nước Anh, đặc biệt là những người sống ở vùng ngoại ô thường xuyên ra vào ở thành phố lớn để làm việc. Bài này từ vựng tương đối vừa phải, nên có thể thí sinh dễ dàng chọn đáp án đúng. Bài số 2 (phần điền từ) với nội dung liên quan đến vấn đề di dân đầu tiên đến châu Mỹ có vốn từ vựng tương đối dễ nên học sinh trung bình khá có thể hoàn thành được bài đọc này. Bài số 3 với nội dung liên quan đến giáo dục có khá nhiều từ trừu tượng, tương đối khó nên mất nhiều thời gian thí sinh kiểm tra thông tin. Nói chung đề thi năm nay cho khối D tương đối khó, đạt yêu cầu phân hóa trình độ học sinh để tuyển sinh vào đại học. Dự đoán điểm cao nhất của năm nay tương đối ít.
Nguyễn Nhật Thảo
(Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn - TPHCM)
Đề Hóa nhẹ nhàng
So với đề khối A đã thi trước đó, đề khối B đợt này có phần nhẹ hơn. Vẫn với số câu lý thuyết nhiều hơn bài toán (chiếm 56% như đề khối A) nhưng hầu hết các câu lý thuyết đều không có tính chất “gài” thí sinh. Tuy vậy, phần bài tập có phần nặng hơn khi hầu hết các bài toán đều phải vận dụng các định luật nếu muốn có kết quả nhanh nhất. Các bài toán có nét mới trong đề này so với những đề thi trước đó có thể kể là câu 10, 13, 18, 35, 36 (Mã đề: 359). Như vậy phổ điểm của đề Hóa khối B sẽ cao hơn đề Hóa khối A. Học sinh giỏi có thể đạt được 9 điểm và 10 điểm cũng sẽ nhiều hơn so với đề khối A trước đó.
Nguyễn Đình Độ
(Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn - TPHCM)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra đột xuất các điểm thi Sáng 10-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra tại các Hội đồng thi. Đoàn kiểm tra lưu động đột xuất do Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 dẫn đầu đã đến Học viện Ngoại giao, Học viện Hành chính. |
Chưa đủ cơ sở dự báo điểm sàn các khối
Với đề thi tuyển sinh ĐH năm 2012 ở các khối A, A1, B, C, D1 được đánh giá có sự mới lạ hơn so với mọi năm nên nhiều đơn vị, thậm chí một số chuyên gia đã đưa ra dự báo điểm sàn có sự thay đổi so với năm 2011. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều chuyên gia đào tạo và tuyển sinh, hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra dự báo về điểm sàn cũng như điểm chuẩn các khối.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Trưởng ban Đại học - Sau Đại học (ĐH Quốc gia TPHCM): Nhận định kết quả điểm thi lúc này là hơi sớm và rất cảm tính. Thứ nhất, ở phần đề trắc nghiệm (đúng - sai) phải tổng hợp nhiều đặc tính mới đưa ra được định lượng cụ thể về kết quả. Thứ hai, phần đề tự luận mang tính định tính nhiều hơn định lượng nên còn phụ thuộc vào kết quả chấm thi. Thứ ba, có hàng triệu thí sinh dự thi nên phải căn cứ vào kết quả bài thi. Do đó, chỉ khi chấm khoảng 70% bài thi mới có thể đưa ra dự báo điểm sàn, điểm chuẩn các khối thi.
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Việc Bộ GD-ĐT đưa ra nhận định và dự kiến điểm sàn và kết quả điểm thi ở một vài khối thi là không có cơ sở. Thậm chí chỉ làm thí sinh thêm lo lắng. Bởi lẽ, ngoài đề thi, chất lượng thí sinh mới quyết định được kết quả điểm thi. Còn về định lượng, chỉ khi các trường chấm thi được từ 50% bài thi trở lên mới có thể dự báo được.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM): Tôi không có cơ sở để dự báo hay dự kiến điểm thi ở các khối thi của thí sinh thi vào trường. Nếu trường chấm thi được từ 50% - 70% bài thi thì mới có thể đưa ra đánh giá sơ bộ và mức điểm trung bình ở các khối và điểm chuẩn của trường. Thời điểm này mà đưa ra nhận định là không chính xác.
TS Nguyễn Kim Quang, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM): Bây giờ mà hỏi các trường đánh giá, dự báo điểm chuẩn hay điểm sàn thì giống như “thầy mù đoán mò”. Bởi lẽ, về định lượng lẫn định tính đều không đủ cơ sở để chứng minh.
Th.S Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Có hàng triệu thí sinh đi thi ĐH nên kết quả điểm thi các khối phải tùy thuộc vào chất lượng, trình độ của thí sinh nên căn cứ vào đề dễ, đề khó để đánh giá là không hợp lý. Nếu đề dễ nhưng trình độ thí sinh thấp, kết quả vẫn thấp như thường. Còn đề khó nhưng chất lượng thí sinh tốt thì điểm sẽ cao. Do đó, tôi khẳng định thời điểm này không có cơ sở để các trường đưa ra dự báo về điểm thi ở các khối.
TS Lý Văn Xuân, Trường phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM: Tôi hoàn toàn chưa có cơ sở để đánh giá về điểm thi khối B của trường. Bởi lẽ, đề dễ hay khó không quan trọng mà quan trọng là thí sinh dự thi vào từng ngành. Hơn nữa trường lấy điểm chuẩn từng ngành theo nguyên tắc từ cao xuống thấp. Hơn nữa, kết quả điểm thi còn phụ thuộc vào đáp án của Bộ GD-ĐT.
Nhóm PV
- Thông tin liên quan:
>> Trên 600.000 thí sinh thi đại học đợt 2 - Đề Văn mới nhưng không “lạ”