Kết thúc ngày thi đầu tiên hệ cao đẳng năm 2012: Đề thi vừa sức

° Đề Văn đánh thức niềm đam mê nghề nghiệp Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi cao đẳng năm 2012, cả thí sinh lẫn giáo viên đều có chung nhận định, các môn thi vừa sức và trên tinh thần “mở”. Nhiều môn thi ở các khối có nội dung bám sát hơi thở cuộc sống. Đáng nói nhất là đề thi môn Văn (khối C, D1) được nhiều thí sinh lẫn giáo viên đánh giá “hay không kém đề thi Văn đại học”.
Kết thúc ngày thi đầu tiên hệ cao đẳng năm 2012: Đề thi vừa sức

° Đề Văn đánh thức niềm đam mê nghề nghiệp

Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt thi cao đẳng năm 2012, cả thí sinh lẫn giáo viên đều có chung nhận định, các môn thi vừa sức và trên tinh thần “mở”. Nhiều môn thi ở các khối có nội dung bám sát hơi thở cuộc sống. Đáng nói nhất là đề thi môn Văn (khối C, D1) được nhiều thí sinh lẫn giáo viên đánh giá “hay không kém đề thi Văn đại học”.
Bởi lẽ, suy nghĩ của thí sinh về ý kiến: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp” thật sự tạo được sự hứng khởi và thích thú cho thí sinh.

  • Luận bàn về sự cao quý của nghề nghiệp

Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, tại điểm thi Trường CĐ Sư phạm Trung ương, rất nhiều thí sinh cho biết đề thi môn Văn (khối C, D) khó và hay không kém đề thi Văn đại học. Đặc biệt, câu nghị luận xã hội môn Văn chiếm 3 điểm, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp” được các thí sinh thích thú.

Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi môn Vật lý tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương quận 5, TPHCM của Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi môn Vật lý tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương quận 5, TPHCM của Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại. Ảnh: MAI HẢI

“Câu này rất phù hợp với học sinh đang bắt đầu bước vào cổng trường đại học, cao đẳng, bắt đầu sự lựa chọn nghề nghiệp của đời mình”, thí sính Trần Thị Thu Nga dự thi vào Trường CĐ Sư phạm TƯ cho biết. Như vậy, sau “mê muội thần tượng” và “kẻ cơ hội” ở đề thi Văn đại học, câu nghị luận ở đề Văn cao đẳng tiếp tục được các thí sinh đánh giá cao. Phần nghị luận của đề Văn cao đẳng không gây tranh cãi như đề thi đại học khối D, thí sinh có thể thoải mái phóng bút chia sẻ quan điểm của mình. Nhiều thí sinh thi vào Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cũng rất tâm đắc với câu nghị luận này. Các em cho rằng, nếu suy nghĩ kỹ, câu nói này rất có ý nghĩa đặc biệt cho các bạn vừa tốt nghiệp THPT, chuẩn bị chọn trường, chọn ngành. Đây cũng là vấn đề hết sức thời sự vì hiện nay, nhiều bạn trẻ theo số đông đã lựa chọn những trường không phải theo sở thích, đam mê mà theo xu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai sau này.

Đề Văn thi vào cao đẳng năm 2012 có 3 câu, ngoài câu nghị luận xã hội trên, câu 1 yêu cầu phân tích một số chi tiết trong đoạn kết truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Câu 3, thí sinh được lựa chọn chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao. Chương trình chuẩn yêu cầu phân tích đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm; chương trình nâng cao yêu câu thí sinh phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Dự thi vào ngành Văn hóa du lịch Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, thí sinh Trịnh Thị Thắm (TTGDTX Hoa Lư - Ninh Bình) cho biết: “Đề Văn năm nay đi vào các tác phẩm khá quen thuộc như Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, đó là những tác phẩm các em đã ôn luyện kỹ nên em làm bài khá tốt”.

Thí sinh làm bài thi môn Văn khối D tại hội đồng thi Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: T.Hùng

Thí sinh làm bài thi môn Văn khối D tại hội đồng thi Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: T.Hùng

  • Ngày thi nhẹ nhàng

Sau khi kết thúc làm bài thi môn Sinh học khối B, nhiều thi sinh thi tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phấn khởi: “Đề thi môn Sinh học không quá khó và nhẹ hơn so với đề Sinh ở đợt thi ĐH”. Thí sinh Đặng Trần Nguyên (Tiền Giang) thi vào ngành điều dưỡng của trường cho biết: “Đề Sinh có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Những câu hỏi không cần phải tính toán nhiều nên tìm đáp án để trả lời không quá khó và không mất nhiều thời gian. Do đó, theo em đề thi Sinh vừa sức và độ phức tạp không bằng đề thi ĐH”. Đa phần các thí sinh được hỏi đều tự tin trả lời “em làm được trên 50% yêu cầu của bài thi”.

Trong khi đó, ở để thi Vật lý khối A, thời gian làm bài 90 phút, nhưng khoảng 60 phút thí sinh đã nộp bài và lác đác rời khỏi phòng thi. Nhiều thí sinh thi tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Hội đồng thi Trường CĐ Viễn Đông) đánh giá đề thi CĐ môn Vật lý tương đối dễ và nhẹ nhàng so với năm trước. “Nhiều bạn thi cùng phòng đã làm xong bài ở 60 phút, nhưng phải ngồi đợi quá 2/3 thời gian mới được ra ngoài” - thí sinh Nguyễn Đăng Lê, thi vào ngành Công nghệ Thông tin của trường vui vẻ trả lời.

Thí sinh dự thi vào trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM vui vẻ trao đổi sau giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh dự thi vào trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM vui vẻ trao đổi sau giờ thi môn Văn. Ảnh: MAI HẢI

Ở đề thi Văn khối D, thí sinh cũng khá phấn khởi. Thí sinh Đỗ Thùy Vân (Bà Rịa - Vũng Tàu) thi vào Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại cho biết: “Đề Văn hay và em rất thích. Trong đó em thích nhất là phần nghị luận xã hội và em khá thích thú với cách ra đề này. Vì thể loại nghị luận bàn về mối quan hệ giữa con người - nghề nghiệp. Đây cũng là dịp để em thể hiện quan điểm của mình về nghề nghiệp mà mình đã chọn để học”.

Như vậy, sau “mê muội thần tượng” và “kẻ cơ hội” ở đề thi Văn kỳ thi ĐH, dù đã được dự báo trước nhưng phần câu hỏi nghị luận ở đề Văn cao đẳng tiếp tục được các thí sinh, dư luận hồ hởi đánh giá hay và sát sườn. Phần nghị luận này không chỉ có giá trị với chính bản thân thí sinh mà cũng có tác động đến công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Dù đã là đợt thi thứ 3, nhưng nhiều hội đồng thi vẫn tỏ ra lúng túng với quy định mới trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT về việc cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh... vào phòng thi.

Thanh Hùng - Phan Thảo

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc ngày thi đầu tiên đợt thi CĐ cả nước có 297.447/407.567 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 72,98%. Tình hình thời tiết và giao thông nhìn chung khá thuận lợi cho thí sinh. Đánh giá về đề thi, Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót.

Về công tác coi thi, kết thúc ngày thi đầu tiên có 51 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật và không có cán bộ nào bị xử lý.


Nhận xét đề

Đề Sinh khối B: Dễ!

Đề Sinh cao đẳng tương đối dễ. Kiến thức dàn trải toàn bộ chương trình Sinh học lớp 12, cấu trúc theo đúng hướng dẫn của bộ. Đề phân hóa được các đối tượng học sinh. Một số câu hỏi ở phần chung nhưng phải sử dụng kiến thức sách giáo khoa (SGK) nâng cao mới giải thích được (câu 6, 37). Phần toán xác suất thống kê ít hơn so với đề thi đại học (chỉ có 2 câu). Câu hỏi và đáp án ngắn gọn học sinh làm bài kịp giờ. Có nhiều câu hỏi phải vận dụng kiến thức cũ ở lớp 10 và 11 mới giải quyết được (phần giảm phân, nguyên phân). Ví dụ như câu 14, 27, 28, 40, 44.

Bùi Thị Kim Oanh
(Trường THPT Nguyễn Trung Trực)

Đề Vậy lý (khối A và A1): Dễ kiếm điểm

So với đề thi vào cao đẳng năm vừa rồi, đề năm nay hay hơn và cũng tương đối vừa sức với học sinh. Kiến thức rải đều ở các chương. Tỷ lệ lý thuyết và bài tập tương đương nhau. Phần lý thuyết có một số câu để phân hóa học sinh như câu 16, 19, 40, 42, 52, 53. Phần bài tập có một số câu để phân hóa học sinh như câu 20, 28, 37, 38. Hầu hết nội dung đề thi đều tập trung phần kiến thức lớp 12 SGK, không đòi hỏi học sinh suy luận nhiều. Dự đoán học sinh sẽ đạt điểm từ 6 - 8 khoảng 70% - 80%.

Nguyễn Thế Phong
(Trường THPT Vĩnh Viễn)

Đề thi môn Văn khối C, D: Hay không kém đề thi đại học

Nhìn chung đề thi môn Văn năm nay rất sát với kiến thức cơ bản. Học sinh tiếp thu từ bài học để vận dụng kiến thức đạt yêu cầu của đề. Cụ thể, câu 1 là dạng đề vận dụng kiến thức đã học để trả lời theo yêu cầu của câu hỏi nên không khó với thí sinh; câu 2 phú hợp với con người (nói chung) với thí sinh (nói riêng) trong việc lựa chọn ngành nghề. Để nhắc nhở vai trò chủ động của con người làm nghề mang mục đích cao đẹp; câu 3, phần a yêu cầu phân tích đoạn thơ, luận đề phải đạt được chiều sâu của tư tưởng nên về kiến thức đoạn thơ, thí sinh khai thác không khó nhưng phần đào sâu vai trò lịch sử của nhân dân qua những công việc giản dị tạo nên Đất nước sẽ tương đối khó với thí sinh có học lực trung bình; phần b về kiểu bài và phương pháp làm bài không khó nhưng thí sinh sinh dễ rơi vào phân tích nhân vật tách rời nhận định về tác giả.

Lý Thị Tú Anh
(Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn)


Bên lề

° Ngất xỉu trong phòng thi: Trong buổi thi môn Vật lý sáng 15-7, một nữ thí sinh khi làm bài được 2/3 thời gian tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An bỗng dưng ngất xỉu trong phòng thi. Lực lượng y tế đã phải dùng cáng đưa thí sinh này đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Tại điểm thi Trường THCS Lý Tự Trọng (hội đồng thi Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, trong giờ làm môn Toán (khối D) khi chưa hết 2/3 thời gian làm bài, một nữ thí sinh đã bị tụt huyết áp, ngất xỉu. Cán bộ y tế đã đưa thí sinh này đi cấp cứu và bài thi của thí sinh này được giám thị lập biên bản ghi nhớ và bỏ vào túi đựng bài thi niêm phong lại.

° Thiếu đề thi: Tại điểm thi Trường TH Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình (Hội đồng thi Trường CĐ Giao thông Vận tải TPHCM), danh sách phòng thi có 31 thí sinh dự thi, nhưng khi cán bộ coi thi bóc đề thi (môn Vật lý khối A) thì trong túi đề thi chỉ có 30 đề thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, rất may là số thí sinh dự thi ít hơn so với danh sách được niêm yết nên không xảy ra tình trạng thiếu đề thi cho thí sinh.

° Đạo chích đột nhập vào trường thi: Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3 (Hội đồng thi Trường CĐ Viễn Đông), một đối tượng đã trà trộn vào điểm thi, chui vào toilet rồi lấy 5 điện thoại di động và thẻ gửi xe của thí sinh. Tuy nhiên, khi đối tượng này đi ra, đã bị giám sát điểm thi phát hiện và giữ lại. Sau đó, đối tượng này đã được giao cho Công an phường 8 quận 3 để xử lý.

- Thông tin liên quan:

>> Gần 260.000 thí sinh làm thủ tục dự thi cao đẳng

*****

Bộ GD-ĐT sửa đổi đáp án môn lịch sử kỳ thi ĐH đợt 2

(SGGPO). – Ngày 15-7, Ban chỉ đạo tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho biết đã điều chỉnh đáp án và phiếu chấm môn lịch sử kỳ thi ĐH, CĐ đợt 2, phần điều chỉnh nằm trong câu 4a. Nội dung câu 4a là khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Ban chỉ đạo tuyển sinh đã gửi các trường đáp án và phiếu chấm môn lịch sử (đã được điều chỉnh), đề nghị các trường sử dụng đáp án và phiếu chấm này. Nội dung sửa ngắn gọn hơn đáp án trước đây theo hướng có lợi cho thí sinh.

Chiều 15-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc điều chỉnh này nhằm tăng quyền lợi của thí sinh như một số góp ý trước đó của các giáo viên lịch sử. “Việc thay đổi không lớn, lại chỉ ở một câu nên sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ chấm thi của các trường. Trước đó, bộ cũng đã thông báo các trường tạm dừng chấm thi môn lịch sử chờ bộ điều chỉnh đáp án; đối với một số ít các bài đã chấm, các trường sẽ có điều chỉnh lại, không ảnh hưởng đến công tác chấm thi”, ông Bùi Văn Ga khẳng định.

Ban chỉ đạo tuyển đã gửi các trường đáp án và phiếu chấm môn Lịch sử (đã được điều chỉnh: phần điều chỉnh nằm trong câu 4 a), đề nghị các trường sử dụng đáp án và phiếu chấm này. Chi tiết tại: http://www.mediafire.com/?4b6a1ghpotbuwg6.

>> Đáp án môn sử sau khi điều chỉnh.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục