(SGGP).- Ngày 1-6, tại Hà Nội, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng cục Hải quan Việt Nam cùng với cơ quan thường trú Liên hiệp quốc (LHQ) tại Việt Nam tổ chức họp báo cùng kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán động thực vật hoang dã (ĐVHD), nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6).
Tại buổi họp báo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nêu rõ, hiện nay tình trạng buôn bán các loài ĐVHD trái phép đang khiến cho nhiều nhóm loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng thời phá hủy tài nguyên thiên nhiên một cách tàn khốc chưa từng có trong lịch sử. Đặc biệt, theo thống kê của UNODC, hàng năm, giá trị buôn bán ĐVHD trên toàn cầu ước tính từ 7-24 tỷ USD và đã phát triển trở thành một trong những hoạt động buôn bán lớn nhất trên thế giới cùng buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người.
Đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng đánh giá những nỗ lực của Việt Nam khi đang từng bước thực hiện cam kết trong việc đấu tranh chống lại tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã, trong đó có việc tăng cường bắt giữ các sản phẩm có nguồn gốc ĐVHD trái phép. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2010 - 2015, lực lượng hải quan đã thu giữ khoảng 55.200kg tê tê, 18.000kg ngà voi và hơn 235kg sừng tê giác từ các lô hàng phi pháp. Trong số đó có vụ bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng vào năm 2015 với hơn 3 tấn ngà voi, 120kg sừng tê và 4 tấn vẩy tê tê được cất giấu trên 3 lô hàng.
Tuy nhiên, UNODC cũng lưu ý rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm dù Việt Nam cho đến nay đã thực hiện hàng loạt nỗ lực nhằm cải thiện luật pháp, tăng cường thực thi pháp luật và giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD. Thống kê của UNODC cho thấy, tại Việt Nam nhiều loài hoang dã được buôn bán và sử dụng cho các mục đích như: thực phẩm, dược phẩm, đồ trang sức, thú nuôi.
Trong khi đó, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến tội phạm buôn bán ĐVHD. Đồng thời, lực lượng công an cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như: hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát biển… và các lực lượng cảnh sát các nước cùng các tổ chức quốc tế hoạt động bảo vệ ĐVHD, nhằm tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.
QUỐC KHÁNH