Khắc phục khó khăn, ổn định thị trường

Sức mua tăng chậm
Khắc phục khó khăn, ổn định thị trường

Vừa qua, Tổ công tác Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) để nhìn lại kết quả sau 3 tháng triển khai chương trình bình ổn năm 2014, đồng thời ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn thị trường tại siêu thị Bình Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Người tiêu dùng mua hàng bình ổn thị trường tại siêu thị Bình Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Sức mua tăng chậm

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sau 3 tháng triển khai các CTBOTT, các DN đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn hàng, phát triển điểm bán, đồng thời chấp hành tốt các quy định của chương trình về việc điều phối, đảm bảo cung cầu hàng hóa thị trường.

Về kết quả cung ứng hàng hóa, sức mua trên thị trường tăng chậm do người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiến độ thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch của DN. Cụ thể, đối với CTBOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trong số 9 nhóm hàng đưa vào diện bình ổn, thì trong tháng 6-2014, chỉ có 2 nhóm hàng cung ứng vượt kế hoạch là rau củ quả (127,1%) và thực phẩm chế biến (129,21%); 2 nhóm hàng đạt thấp so kế hoạch là thủy hải sản (45,8%) và lương thực (41,1%); các mặt hàng còn lại như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn chỉ đạt xấp xỉ chỉ tiêu kế hoạch.

Trong CTBOTT mùa khai trường, để đáp ứng nhu cầu cho học sinh, sinh viên, năm nay các DN đã đưa ra thị trường nhiều mẫu mã sản phẩm mới. Chương trình cũng đưa thêm nhóm giày vào bình ổn, nâng tổng số lên 4 nhóm hàng với 437 sản phẩm, tăng 98 mẫu sản phẩm so với CTBOTT năm 2013. Tại thời điểm này, mãi lực các mặt hàng phục vụ mùa khai trường bắt đầu tăng so với tháng 4 và 5 nhưng vẫn chưa thực sự bước vào mùa kinh doanh cao điểm.

Do vậy, sản lượng hàng hóa cung ứng vẫn đạt thấp so với kế hoạch như đồng phục học sinh chỉ đạt 68,1% kế hoạch, tập học sinh đạt 87,2%, cặp - ba lô - túi xách đạt 72,4%. Riêng mặt hàng giày do mới tham gia nên sản lượng bán ra còn rất thấp so với kế hoạch.

Tương tự, đối với 2 CTBOTT còn lại là sữa và dược phẩm, sản lượng cung ứng đối với một số nhóm hàng chưa thực sự bứt phá như các DN mong muốn.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, việc triển khai CTBOTT năm 2014 gặp nhiều thuận lợi hơn so với các năm trước, đặc biệt là nguồn vốn cung ứng cho các DN khá dồi dào. Chưa có năm nào, cùng một lúc, công ty lại nhận được nhiều lời mời từ các ngân hàng về việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh. Đây chính là điều kiện để Ba Huân mạnh dạn đầu tư, phát triển tổng đàn, đảm bảo nguồn cung cho CTBOTT của TP. Vừa qua, các sở, ngành đã cho phép điều chỉnh giá bán các mặt hàng trứng gia cầm trong chương trình tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/chục, khiến cho các vệ tinh chăn nuôi của Ba Huân có thêm động lực để tăng lượng hàng.

Với việc điều chỉnh này, giá trứng gia cầm đã quay trở về ngang bằng với mức giá vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, điều khiến công ty lo ngại là sức mua trong thời điểm hiện tại tăng chậm, làm cho DN phải cân nhắc thật kỹ tới việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ động vượt khó

Bên cạnh những thuận lợi, nhiều DN cho rằng, họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại. Theo ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Hương Mi (Hami), việc sản xuất các mặt hàng cặp xách - ba lô phục vụ cho mùa khai trường chủ yếu mang tính chất mùa vụ. Do vậy, ngay từ đầu năm, các DN phải tập trung mọi nguồn lực để nhập khẩu, dự trữ nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất.

Theo tính toán của ông Dũng, so với năm ngoái, năm nay giá nguyên liệu đầu vào đã tăng bình quân 15% - 20%. Để đảm bảo tăng sản lượng và doanh thu đạt 20% so với năm 2013, Hami phải cơ cấu lại toàn bộ hoạt động, sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo giá bán không tăng so với năm học 2013-2014. Song song với việc hoàn chỉnh về mặt chất lượng, Hami cũng đầu tư mạnh cho việc phát triển hàng chục mẫu sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa mặt hàng, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Tuy vậy “người tính không bằng trời tính”, trong mùa sản xuất, kinh doanh năm nay Hami không thể tính trước được nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm như giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng mạnh…

Ông Trần Bá Dũng so sánh: “Cùng thời điểm này năm ngoái, Hami gửi một kiện hàng chừng 100kg đến một số tỉnh thì chi phí chỉ dừng ở mức 150.000 đồng, nhưng nay đã tăng gấp đôi, lên 300.000 đồng/lượt. Nếu DN cứ “căng” theo mức tăng giá đầu vào của nguyên liệu cũng như các chi phí khác để tăng giá bán sản phẩm, chắc chắn sẽ không thúc đẩy sức mua tăng, đồng thời ý nghĩa của việc bình ổn thị trường cũng sẽ giảm đi ít nhiều. Vì vậy, cách tốt nhất là DN phải cố gắng “gồng gánh” để ổn định sức mua, giá bán”.

Đại diện một số DN trong CTBOTT cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm 2014, giá nguyên vật liệu đầu vào đối với nhiều mặt hàng đã tăng nhưng DN không thể tự ý tăng giá sản phẩm tùy tiện, vì nếu không khéo sẽ khó khăn trong khâu tiêu thụ, dẫn tới mất thị phần. Vì vậy biện pháp được các DN áp dụng phổ biến hiện nay là cắt giảm chi phí đối vối các dự án, khoản đầu tư, máy móc thiết bị, kinh phí cho các hoạt động chưa cần thiết. Cùng với đó là tăng lương, hỗ trợ thêm nhiều khoản khác giúp người lao động vượt qua khó khăn và để giữ lao động có tay nghề.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu DN, tập trung cho sản xuất, kinh doanh mang tính cốt lõi cũng đang được áp dụng triệt để và đã mang lại hiệu quả cho nhiều DN.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty sữa Nutifood, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng ý thức cũng như nhu cầu sử dụng sữa của người dân ngày càng được chú trọng. Do vậy, nếu công ty không nắm bắt các cơ hội, tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, chờ kinh tế vượt qua khủng hoảng, chắc chắn DN sẽ bị tụt hậu. Mong muốn của Nutifood là sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 80%/năm, đến năm 2020, doanh thu của công ty sẽ vượt mức 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công bài toán này, Nutifood vừa tăng tốc đầu tư, vừa gia cố lại hệ thống phân phối sản phẩm, đồng thời thực hiện tốt các chương trình marketing để tăng mức độ nhận biết sản phẩm của người tiêu dùng.

“Trong kinh doanh thuận lợi và khó khăn là những yếu tố luôn song hành. Tuy nhiên, tự thân mỗi DN phải biết xoay xở để tận dụng tốt nhất những mặt thuận lợi nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, với giá thành cạnh tranh. Làm được điều này, DN mới có thể phát triển bền vững”- ông Trần Thanh Hải cho biết.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục