Công tác tuần tra, giám sát trong công đoạn thi công các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn của cơ quan chủ quản và các ngành chức năng nếu được làm tốt sẽ đem lại những hiệu quả đáng kể: đỡ tốn kém, phiền hà vì phải khắc phục các hư hỏng, khuyết tật cũng như giúp đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Kinh nghiệm quản lý công trình xây dựng cầu Phú Long nối liền quận 12 TPHCM với thị xã Thuận An tỉnh Bình Dương của Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 3, đơn vị chủ đầu tư, có thể xem là một ví dụ điển hình cho ích lợi của việc bám sát, nắm chắc diễn biến thực hiện dự án. Phó Giám đốc KQLGTĐT số 3 Võ Khánh Hưng cho biết, hai nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 479 và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đã thực hiện rất tốt phần cầu, cả về chất lượng lẫn tiến độ và sự an toàn trong thi công. Chỉ riêng nhà thầu thi công phần đường dẫn vào cầu là Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 810 hơi “trục trặc” một chút.
Trong một năm đầu, nhà thầu này thực hiện cũng khá tốt phần việc của mình, thế nhưng sau đó do lâm vào tình trạng nợ đọng và khối lượng thanh toán bị ngân hàng xiết nợ, chỉ cho vay lại một phần rất nhỏ, cho nên nhà thầu rơi vào cảnh thiếu kinh phí và vì thế không làm chủ được tiến độ.
Phát hiện ra điều này, KQLGTĐT số 3 đã đeo bám, chỉ đạo hướng tháo gỡ kịp thời, tạo thuận lợi cho nhà thầu như đẩy nhanh công tác nghiệm thu thanh toán khối lượng, hỗ trợ giới thiệu các nhà thầu thi công có năng lực làm thầu phụ ứng trước tiền để thi công một số hạng mục như phần tường chắn, cây xanh, chiếu sáng… Chính nhờ vậy, chủ đầu tư dự án đã kiểm soát được tiến độ thi công.
Trường hợp phát hiện sớm hư hỏng, khuyết tật công trình trên địa bàn do KQLGTĐT số 2 “phủ sóng” cũng là một tham chiếu đang nhắc đến. KQLGTĐT số 2 phụ trách khu vực cửa ngõ Đông Bắc TPHCM, nơi mà mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại đang dần được hình thành theo quy hoạch.
Một trong những khó khăn chính mà KQLGTĐT số 2 phải đối mặt đó là khối lượng các công trình giao thông cần bảo trì vận hành liên tục gia tăng qua các năm nhưng kinh phí để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng công trình không được bố trí đủ theo quy định, thường chỉ đạt 50%-60% theo định mức hạn ngạch.
Thêm vào đó, tình hình hạn chế và giảm đầu tư công cũng làm cho công tác duy tu bảo trì hệ thống công trình giao thông thêm khó khăn. Một lãnh đạo KQLGTĐT số 2 nói rằng trong các giải pháp đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc được đơn vị này đưa ra như bổ sung kinh phí, điều chỉnh các bất cập về hạn mức, về đơn giá áp dụng cho công tác duy tu, cắt giảm khối lượng công tác khoán duy tu… thì công tác tuần tra trực gác hệ thống các công trình, đặc biệt tại các tuyến trục có mật độ phương tiện tham gia lưu thông cao và các cầu yếu chưa được cải tạo nâng cấp trên địa bàn cũng được chú trọng ưu tiên.
Thực tế cho thấy, trong hai năm gần đây nhất, chính nhờ công tác tuần tra trực gác được thực hiện tốt, KQLGTĐT số 2 đã liên tục phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố công trình, như các vị trí lún sụp trên đường Kha Vạn Cân, Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân, Lê Văn Chí thuộc quận Thủ Đức; đường Bạch Đằng, Nơ Trang Long, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm của quận Bình Thạnh…
KQLGTĐT số 2 cũng đã phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố công trình cầu như việc xuất hiện các vết nứt trên hệ dầm chủ tại công trình cầu Sơn, hệ dầm chuyển vị tại công trình hầm chui Văn Thánh 2, hiện tượng mố cầu chuyển vị tại công trình cầu Ông Hóa, cầu Kinh Thanh Đa… Những phát hiện sớm và xử lý kịp thời các khuyết tật này đã góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý của chủ đầu tư dự án. “Thời gian qua, các sự cố lớn không hề xảy ra, một phần cũng nhờ công tác tuần tra, trực gác đã đóng vai trò tích cực chủ động” - giới chức này nói thêm.
Thiện Nhân