Khắc phục tình trạng dự toán thu - chi xa rời thực tế

Sáng 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 và thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

(SGGPO).- Sáng 20-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011 và thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Xử lý sai phạm về quản lý, điều hành ngân sách

Với Nghị quyết nêu trên, Quốc hội giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012.

Trước đó, Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2011 được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội, nêu nhận định: Công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2011 đã có tiến bộ so với những năm trước đây, chất lượng dự toán từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng dự toán thu – chi chưa sát thực tế vẫn tiếp diễn, trong đó có nguyên nhân chủ quan là công tác dự báo, phân tích các nguồn lực thu, xác định nhiệm vụ chi còn hạn chế.

Kết quả thanh tra, kiểm toán và giám sát về NSNN năm 2011 cũng cho thấy, tình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, quyết định dự án không đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn, bố trí vốn đầu tư chưa đúng nguồn, giải ngân chậm, nợ đọng lớn... vẫn diễn ra.

Đáng lưu ý, tình trạng chi chuyển nguồn lớn, có xu hướng gia tăng trong điều kiện NSNN vẫn bội chi, phải đi vay để bù đắp làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN. Cụ thể, khoản chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012 là 246.690 tỷ đồng, chiếm tới 23,9% tổng chi NSNN và tiếp tục tăng cao so với các năm trước...

Đấu thầu thuốc cần luật riêng

Tán thành cao sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã ghi nhận nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong dự thảo Luật. Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đánh giá cao quan điểm khuyến khích sự đóng góp của tư nhân trong phát triển hạ tầng cũng như chủ trương tiến hành đấu thầu qua mạng để đảm bảo minh bạch thông tin, giảm thủ tục hành chính... “Đấu thầu qua mạng có nhiều ưu điểm vượt trội, giảm sự tiếp xúc trực tiếp và khả năng chạy thầu, giảm tình trạng quân xanh quân đỏ trong đấu thầu; nhưng đòi hỏi tính bảo mật rất cao. Hạ tầng công nghệ thông tin của chúng ta đã đáp ứng được ngay chưa hay phải chuẩn bị từng bước” – đại biểu Đồng băn khoăn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) và một số đại biểu khác bày tỏ quan tâm đến các quy định về chỉ định thầu và đề nghị quy định cụ thể những điều kiện, phạm vi áp dụng hình thức này. “Phải có những tiêu chuẩn mang tính định lượng; không chung chung được”, ông Đức nhấn mạnh.

Là lãnh đạo một tập đoàn lớn, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) chỉ ra những điểm còn chưa rõ trong dự thảo. Ông nói: “Với các tập đoàn có nhiều công ty con, khi tổ chức đấu thầu theo quy định tại dự thảo thì các công ty con khác (cùng một “mẹ”) với tỷ lệ góp vốn khác nhau có tham gia đấu thầu rộng rãi hoặc hạn chế được không”?

Các đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thì đề nghị có một luật riêng về đấu thầu dược phẩm, do tính chất đặc thù của loại hàng hóa này...

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục