Khắc phục tôm chết: Những kết quả ban đầu

Trở về từ hội thảo tư vấn quốc tế bệnh hoại tử gan, tụy cấp (EMS/AHPNS) trên tôm sú và thẻ chấn trắng đang hoành hành các nước khu vực, TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, cho biết, bệnh này ghi nhận ở Trung Quốc, sau đó xuất hiện các nước khác như Malaysia, Thái Lan… nhưng thiệt hại nặng nề nhất là Việt Nam.

1. Trở về từ hội thảo tư vấn quốc tế bệnh hoại tử gan, tụy cấp (EMS/AHPNS) trên tôm sú và thẻ chấn trắng đang hoành hành các nước khu vực, TS Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, cho biết, bệnh này ghi nhận ở Trung Quốc, sau đó xuất hiện các nước khác như Malaysia, Thái Lan… nhưng thiệt hại nặng nề nhất là Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học thế giới đã đến nhưng hầu như chưa hiểu biết về bệnh này. Chỉ 2 nhà khoa học Mỹ và Thái Lan nghiên cứu và do họ là những nhà khoa học về bệnh học thuần túy nên câu trả lời chính thức vẫn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, những phát hiện mới của GS Donald Lightner (ĐH Arozina, Mỹ) và GS Tim Flegel (ĐH Mahidol, Thái Lan) giúp làm sáng tỏ thêm những nghi ngờ mà viện phối hợp với OIE (Tổ chức Dịch tễ thế giới) và FAO (Tổ chức Lương nông) nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân như chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Võ Văn Tám, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, được Bộ NN-PTNT thành lập cuối tháng 5-2012.

Theo TS Nguyễn Văn Hảo, bản chất hội chứng hoại tử gan tụy cấp liên quan chặt chẽ với 2 yếu tố chính là tác động của độc tố làm mất chức năng gan, tụy có thể gây chết cấp tính, sau đó là việc xâm chiếm của vi khuẩn (nhóm Vibrio) gây tôm chết hàng loạt và lan rộng. Đây là hậu quả của việc quản lý ao nuôi không đúng cách như cải tạo và chuẩn bị ao không đúng kỹ thuật, ao lắng, mùa vụ thả giống, không kiểm soát được tảo nở hoa cũng như không kiểm soát mật độ vi khuẩn, xử lý nước chưa tốt, sử dụng thức ăn không đúng cách, cũng như lạm dụng chế phẩm sinh học… Từ đó, TS Nguyễn Văn Hảo đưa ra giải pháp: có ao lắng và xử lý; tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật như Cypermethrin; con giống khỏe; hết sức chú ý khi sử dụng chế phẩm sinh học, lưu ý mật độ vi khuẩn, nhất là nhóm Vibrio trong ao nuôi…

2. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương, chủ trang trại 70 ha tôm ở Bình Thuận cho biết, bệnh hoại tử gan, tụy cấp đã làm ông mất 14 tỷ đồng khi 100 ao nuôi đều bị thiệt hại năm 2011. Đầu năm 2012, thả nuôi 26 ao, lại bị chết 25 ao. Tôm chết có những biểu hiện như nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2. Nhưng khi áp dụng mô hình CPF Turbo của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, kết quả ban đầu rất khả quan. Tỷ lệ sống của tôm lên đến 97%.

Tương tự, ông Tăng Văn Xúa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, 13 ao tôm thả nuôi năm 2011 đều chết, thả tiếp vụ 2 cũng chết. Đầu năm 2012, sau khi được tham quan mô hình nuôi tôm theo phương pháp CPF Turbo tại Thái Lan, ông Xúa thả nuôi 2 ao (1,1ha), thất bại 1 ao. Vụ sau thả nuôi tiếp 2 ao. Ngày 6-10, ông thu được 14,1 tấn bán 1,72 tỷ đồng, lời được 900 triệu đồng. Theo ông Xúa, khu vực nuôi là vùng dịch bệnh của tôm, sau khi nuôi thành công, nhiều người đã đến tìm hiểu mô hình này.

Ông Nguyễn Lê Huy Vũ (Công ty CP Việt Nam) cho biết, đây là mô hình mà CP Group ở Thái Lan áp dụng. Dù cũng xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp nhưng ở Thái Lan chỉ bị thiệt hại 0,7% so với Việt Nam 60%-70%. Điều quan trọng là người nuôi phải có ý thức và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, có ao lắng, ao xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi và phải có ao chứa chất thải. Điều này dù giảm diện tích nuôi (còn 70% diện tích) nhưng lại an toàn hơn. Ngoài ra, cần đầu tư thêm hệ thống an toàn sinh học như có lưới bảo vệ mặt ao để tránh chim trời có thể gây lây nhiễm, sử dụng bạt đáy ao, hạn chế người vào trại tôm, phải mang giày và có thuốc sát trùng khi vào trại…

Dù đầu tư nuôi tôm cao, rủi ro nhiều hơn và lợi nhuận lớn hơn so với nuôi heo, gà nhưng việc áp dụng hệ thống an toàn sinh học cho con tôm từ lâu vẫn còn rất sơ sài so với sử dụng chuồng lạnh nuôi heo, gà. CPF Turbo áp dụng hệ thống an toàn sinh học này cho tôm cùng với việc áp dụng đúng quy trình nuôi như con giống khỏe, sử dụng thức ăn hợp lý… Mô hình CPF Turbo ở Việt Nam áp dụng từ đầu năm 2012, đến nay đã có 3 vụ, nuôi 103 ao, tỷ lệ thành công lên đến 97%. Nều như trước đây CP Việt Nam tìm người để nuôi theo mô hình mới, nay các chủ trại đến đăng ký nuôi. Bởi theo ông Nguyễn Văn Dương, lúc nguy cấp, tìm ra giải pháp mới thấy quý giá.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục