Khai hội Tịch Điền 2016

Khai hội Tịch Điền 2016

(SGGP).- Ngày 14-2 (tức mùng 7 Tết) tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã khai hội Tịch Điền 2016. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Nam cùng đông đảo người dân địa phương và du khách. Đây là năm thứ 8, lễ hội Tịch Điền được tổ chức.

Tái hiện cảnh nhà Vua xuống đồng cày ruộng đầu năm mới tại lễ hội

Theo các tài liệu lịch sử còn ghi lại, mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm lễ Tịch Điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Kể từ đó, nền nông nghiệp luôn luôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Lễ hội Tịch Điền cũng trở thành một trong những lễ hội của nước ta vẫn còn lưu giữ được nét đẹp làng quê ngày xuân khi được tái hiện lại cảnh nhà vua xuống đồng cày ruộng. Lễ hội được diễn ra trang trọng và uy nghiêm với những phần lễ như: Rước chân nhang từ Đền thờ vua Lê Đại Hành về chùa Đọi, lễ rước nước, tắm tượng cùng với đó là màn múa trống, múa rồng...

Cũng như mọi năm, năm nay cụ Đinh Trọng Tế (SN 1929 ở thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) vinh dự được “vào vai” nhà vua Lê Đại Hành...

* Cùng ngày, Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với huyện Phú Xuyên tổ chức lễ xuống đồng đầu năm và phát động Tết trồng cây 2016.

Phát biểu tại lễ phát động, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nêu bật tầm quan trọng và ý nghĩa, truyền thống tốt đẹp của việc trồng cây làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường. Thực hiện lời dạy và phong trào Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, hàng năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô ra quân phát động trồng cây đầu năm mới, việc trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng luôn được thành phố coi trọng. Phong trào trồng cây đầu năm đã trở thành nét đẹp đem đến cho mỗi người, mỗi gia đình và địa phương niềm vui, giúp cho người người thi đua bảo vệ môi trường, khí hậu ngày càng tốt và cảnh quan càng “xanh núi xanh sông, xanh đồng xanh biển”.

* Sáng 14-2, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ hạ nêu và khai ấn Cung chúc Tân xuân tại di tích Thế Tổ Miếu (Đại Nội Huế). Trong đó, lễ hạ nêu gồm các lễ nhỏ như: cúng nêu, cử đại nhạc, tiểu nhạc, chuông trống và tiến hành hạ cây nêu lớn ở sân trước Thế Miếu, sau đó là cây nêu ở điện Long An. Riêng phần khai ấn đầu năm, ngọc ấn được lấy từ cây nêu với bốn chữ “Phú - Thọ - Khang - Ninh” (nghĩa là giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh và bình yên), cầu chúc những điều yên ổn, trường tồn cho đất nước, may mắn, ấm no cho nhân dân.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, Ban tổ chức dùng ngọc ấn đóng vào các tờ giấy tặng du khách với mong muốn điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với mọi người trong năm mới Bính Thân.

* Tối cùng ngày chợ Viềng, phiên chợ cầu may họp duy nhất một ngày trong năm đã được mở cửa. Phiên chợ hội tụ nhiều sản vật đặc trưng của Nam Định và các sản vật của vùng đồng bằng Bắc bộ như đồ rèn Vân Chàng, Trung Thành; đồ đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên; cây con giống Nam Điền, Nam Trực; cây cảnh Vị Khê; đồ cổ; đồ cũ... và rất nhiều vật dụng khác. Ở Nam Định có tới 4 chợ Viềng cùng tồn tại và đều được tổ chức vào mùng 7 Tết. Đó là chợ Viềng Phủ Dầy (Vụ Bản), chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực), chợ Viềng Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) và chợ Viềng Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Tuy nhiên, gắn với lễ hội Phủ Dầy thì chợ Viềng (Vụ Bản) vẫn là phiên chợ được tổ chức với quy mô lớn và thu hút đông đảo du khách nhất.

Ngày 14-2, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương không tổ chức tràn lan các hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.

Văn bản này thể hiện đúng tinh thần của Bộ VH-TT-DL trong việc đưa hoạt động lễ hội về nề nếp, nói không với những lễ hội phản cảm, bạo lực và mang nặng tính thương mại…

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục