Hãng AP ngày 26-11 đưa tin, vòng đàm phán khí hậu lần thứ 18 của LHQ (COP 18) đã khai mạc tại thành phố Doha, Qatar với sự tham dự của đại diện hơn 200 quốc gia. Hội nghị kéo dài 2 tuần được dự báo sẽ khó mang lại đột phá nào trong bối cảnh các nước không mặn mà cắt giảm khí thải vì lo sợ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Khó đạt mục tiêu
Chương trình nghị sự của hội nghị năm nay tập trung thảo luận khung pháp lý mới nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có mục tiêu làm thế nào để gia hạn Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Bên cạnh đó là việc các nước phải đồng thuận về kế hoạch tăng số tiền viện trợ cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trước thềm diễn ra COP 18, giới chuyên gia khí hậu đều cho rằng sẽ không có nhiều đột phá trong hội nghị lần này.
Từ năm 2009, các nước phát triển cam kết đóng góp 30 tỷ USD tài trợ và các khoản vay ưu đãi nhưng những cam kết đã hết hạn trong năm nay. Còn Quỹ khí hậu xanh được thiết kế mỗi năm có nguồn quỹ 100 tỷ USD để hỗ trợ các nước nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi động vì không huy động đủ số tiền.
Hiện nay, các nước mới dừng lại ở một tuyên bố chung không mang tính ràng buộc về cắt giảm lượng khí thải khi Mỹ và Trung Quốc vẫn bảo lưu quan điểm của mình, chưa thống nhất được cách thức giải quyết bất đồng về các điều khoản pháp lý của hiệp định tương lai. Một loạt “ông lớn” khí thải khác như Nhật Bản, Canada và Nga cho biết họ sẽ không đặt bút ký vào một nghị định thư mới nếu không có sự tham gia của 2 nước trên.
Ở thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, yêu cầu các quốc gia buộc phải cắt giảm khí thải là điều rất khó thực hiện bởi lẽ cắt giảm khí thải là cắt giảm hoạt động sản xuất, cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm tăng trưởng và đây chính là điều các quốc gia luôn muốn bác bỏ. Trong khi đó, các nước đang phát triển luôn đổ lỗi cho việc trái đất ấm dần lên chính là hậu quả từ sự phát triển của nhiều cường quốc thế giới, cho thấy giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển vẫn tồn tại một khoảng cách lớn và rất khó có thể dung hòa giữa lợi ích riêng và lợi ích chung.
Báo động toàn cầu
Hãng tin AP dẫn báo cáo về khí hậu mới công bố của LHQ cho thấy, nồng độ CO2 trong không khí đã tăng hơn 20% kể từ năm 2000 cho đến nay. Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2020 có thể tăng khoảng từ 8 đến 13 tỷ tấn.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu các nước không nhanh chóng hành động để giảm lượng phát thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên mức 4° trong thế kỷ này, vượt gấp đôi so với con số 2°C mà LHQ ước tính ban đầu. Mức nóng gia tăng là 6°C hay cao hơn sẽ xảy ra ở vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và nhiều nơi ở Mỹ. Mực nước biển vào năm 2100 sẽ dâng cao thêm 0,5m - 1m.
Giới khoa học liên tục cảnh báo nhân loại sẽ chứng kiến những thảm họa thiên nhiên khốc liệt hơn. Cơn bão Sandy mới đây khiến nước Mỹ thiệt hại gần 100 tỷ USD. Các hiện tượng lốc xoáy, bão lụt, hạn hán diễn ra với chu kỳ nhặt hơn, khiến nhân loại đứng trước những bài toán mới. Nếu Hội nghị khí hậu Doha lần này không đạt được thỏa thuận nào về việc gia hạn Nghị định thư Kyoto từ năm sau, sẽ không còn bất cứ một cơ chế toàn cầu nào quy định trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng: “Thế giới sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được sự nghèo khổ nếu như chúng ta không chế ngự được sự thay đổi của khí hậu”.
Thanh Hằng (Tổng hợp)