Khai mạc Hội thảo quốc tế “Cải cách Kinh tế vì Tăng trưởng Hòa nhập và Bền vững”

(SGGPO).- Hội thảo Quốc tế “Cải cách Kinh tế vì Tăng trưởng Hòa nhập và Bền vững: Kinh nghiệm Quốc tế và Bài học cho Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội sáng nay, 24-3, sẽ kéo dài đến hết trưa ngày mai, 25-3.

(SGGPO).- Hội thảo Quốc tế “Cải cách Kinh tế vì Tăng trưởng Hòa nhập và Bền vững: Kinh nghiệm Quốc tế và Bài học cho Việt Nam” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội sáng nay, 24-3, sẽ kéo dài đến hết trưa ngày mai, 25-3.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điểm lại một số kết quả kinh tế - xã hội nổi bật mà Việt Nam đạt được  trong công cuộc đổi mới. Theo Phó Thủ tướng, từ một nước chậm phát triển, đến nay, Việt Nam đã bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 5,4% và dự kiến năm 2014 đạt từ 5,8 đến 6%.

Bên cạnh mục tiêu kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và thụ hưởng các thành quả của phát triển. Sự phát triển vượt bậc này của Việt Nam trong gần 30 năm qua gắn liền với đổi mới tư duy phát triển và nỗ lực cải cách.

Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, học giả quốc tế chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về tăng trưởng bền vững và xây dựng một cơ cấu kinh tế hiện đại; giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách cơ cấu trong trung và dài hạn; vị trí, vai trò mới của nông nghiệp đối với tăng trưởng bền vững; cần làm gì trong xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc để có thể tham gia và tranh thủ tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu...

Tham dự Hội thảo, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP khẳng định, những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng. Bà Helen Clark ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng và thực hiện các biện pháp cải cách cơ cấu và thể chế nhằm bảo đảm tiếp tục những tiến bộ về phát triển và tăng cường năng lực để hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu…

Theo bà  Helen Clark, có một số lĩnh vực tới đây Việt Nam cần cân nhắc triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng đạt hiệu quả và bền vững, bao gồm: thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới và tạo ra được nhiều việc làm tốt; mở ra nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt. Đặc biệt, trong các lĩnh vực xã hôi, Việt Nam phải có hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại; đầu tư thích đáng vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục