Khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII - Cần “cú hích” mới cho tăng trưởng kinh tế

Ngày 4-12, kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM (khóa VIII) khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Đến dự có các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; đại diện cử tri của TPHCM…
Khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII - Cần “cú hích” mới cho tăng trưởng kinh tế

* Đề nghị chọn năm 2013 là năm “Trật tự an toàn xã hội”

Ngày 4-12, kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM (khóa VIII) khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Đến dự có các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; đại diện cử tri của TPHCM…

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

  • Tiếp tục các giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và hợp lý, ước đạt 9,2%. Có 24/30 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm 2012. Phó Chủ tịch UBND TP nhìn nhận, dù đã nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt một số chỉ tiêu đề ra. Cũng theo đánh giá của UBND TP, kinh tế TP phát triển thiếu ổn định, chưa thật sự bền vững, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt kế hoạch đề ra (ước tăng dưới 5,5%), thấp hơn so với cả nước nhưng chưa vững chắc. Nhìn nhận những mặt hạn chế và yếu kém một phần do nguyên nhân khách quan là suy thoái kinh tế thế giới và một số cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô trong nước còn nhiều bất cập, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan còn do năng lực tham mưu của một số sở ngành hạn chế.

Đòi phải “chỉ tận mặt, đặt đúng tên”, đại biểu (ĐB) Trần Văn Khuyên đề nghị: “Sở nào? Ngành nào? Cá nhân cụ thể? Nghẽn ở khâu nào? Tất cả đều cần chỉ rõ ra, không chung chung “một bộ phận” như trong báo cáo. Bởi vậy mới có chuyện trả lời cử tri quận Gò Vấp về tình trạng “loạn” phòng khám đông y, cơ quan chức năng phản hồi đã “xử phạt hơn 230 triệu đồng và rút giấy phép một số phòng khám”, nhưng phòng khám nào, địa chỉ ở đâu, do ai chịu trách nhiệm thì lại không nói rõ. Đây mới là điều cử tri quan tâm, ĐB chúng tôi cần nắm rõ để báo cáo lại với cử tri”. Đồng quan điểm, ĐB Trần Thanh Châu cho rằng: “Theo tinh thần của báo cáo những nguyên nhân chủ quan thì “đổ” tại bộ phận tham mưu, các sở ngành, như vậy liệu có ổn?”. 

Cử tri trao đổi ý kiến tại kỳ họp HĐND TPHCM.

Cử tri trao đổi ý kiến tại kỳ họp HĐND TPHCM.

Cho rằng các giải pháp cụ thể để vực dậy và phát triển kinh tế TP chưa có gì đột phá, ĐB Văn Đức Mười phân tích: Để đạt GDP 9,2%, TP đã rất cố gắng nhưng năm 2013 lại đặt chỉ tiêu đạt 9,5% - 10% trong khi các nhóm giải pháp của UBND TP đưa ra lại rất chung chung. Tôi muốn hỏi: Năm 2013, TP đặt ra giải pháp cụ thể nào cho nền kinh tế TP? Bởi năm 2012, TP có khoảng 17.000 DN khai với thuế không hoạt động nữa, đó là chưa kể những DN đang “bất tỉnh nhân sự” nhưng chưa phát hiện được. Không thể tiếp tục “ru” với nhau là kinh tế TP đi theo chiều hướng êm đềm mà không có giải pháp đột phá thì cũng không thể giải quyết tồn tại đặt ra được. Theo tôi, trọng tâm năm 2013 tiếp tục vẫn là những giải pháp thiết thực tháo gỡ cho DN. Dù phụ thuộc nhiều vào các quyết sách từ trung ương nhưng TP cũng phải có giải pháp đột phá riêng của mình, không thể chờ nữa.

  • Tăng phòng, chống tội phạm

Tại phiên thảo luận tổ chiều 4-12, tình trạng trộm cướp táo tợn được rất nhiều ĐB quan tâm mổ xẻ và đề xuất giải pháp.

ĐB Lâm Đình Chiến cho rằng tình trạng cướp giật không còn chừa địa bàn nào, báo cáo cũng đã nêu quá nhiều. ĐB này đề xuất HĐND TPHCM cần có nghị quyết chuyên đề để tập trung giải quyết. ĐB Trần Trọng Dũng đề nghị TP tăng thêm chi phí cho chương trình phòng chống tội phạm vì đây là chương trình chung cho xã hội. ĐB Đinh Duy Phương đặt vấn đề: Tình hình trộm cướp, việc hành xử trong dân đang có xu hướng “vô cảm”, phải chăng giá trị đạo đức đang suy giảm? Ông đề xuất cần tiến hành khảo sát đánh giá khoa học để có giải pháp đầy đủ.

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Tấn Tài, đời sống đại bộ phận người dân đang rất khó khăn nhưng người dân vẫn không lo bằng nạn cướp giật hiện nay. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh này người dân rất mong có được cuộc sống an toàn. ĐB Nguyễn Thanh Chín đặt trách nhiệm giải quyết tình trạng tội phạm cướp giật là của cả hệ thống chính trị, của chính quyền địa phương, trong đó vai trò của lực lượng công an là chủ lực. “Cần huy động tổng lực mới có thể dẹp được tệ nạn này”, ĐB Chín ý kiến. Các ĐB Nguyễn Tấn Tài, Vương Đức Hoàng Quân cùng kiến nghị chọn năm 2013 là năm “Trật tự an toàn xã hội” để công tác ngăn ngừa đấu tranh, trấn áp tội phạm xã hội đạt kết quả tốt hơn.

Đại biểu HĐNDTP phát biểu tại cuộc thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu HĐNDTP phát biểu tại cuộc thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG


 
 
 
Góp ý đề án nâng hiệu quả hoạt động của HĐND TPHCM, ĐB Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng: Có 3 vấn đề chính đề án cần tập trung đó là tiếp xúc cử tri, giải quyết kiến nghị cử tri và hoạt động giám sát. Có một thực tế trong tiếp xúc cử tri là tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, cũng như ngoài những câu hỏi liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân thì hầu như các kiến nghị đều không mới. “Tiếp xúc cử tri là phải thực chất nhưng theo tôi hoạt động này hiện nay chưa thực chất. Nên có sự thay đổi thành phần, cơ cấu cử tri, mở rộng đối tượng tiếp xúc - ít nhất 50% - 70% cử tri mới ở mỗi kỳ tiếp xúc vì mỗi người có một bức xúc, góc nhìn riêng. Vấn đề này đề án phải tính đến”, ông Hà đề nghị. Đồng thời, cần có quy trình giải quyết kiến nghị cử tri. Để kiến nghị của cử tri được giải quyết hiệu quả, nên ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật ý kiến cử tri, đồng thời đây cũng là kênh để cử tri theo dõi, cơ quan có thẩm quyền giám sát được kết giải quyết cũng như “địa chỉ” trách nhiệm. Nếu không còn tổ chức HĐND quận - huyện, phường thì chức năng giám sát các nơi này không được thực hiện đầy đủ.
 
 

VÂN ANH – HỒNG HIỆP 

 

Băn khoăn về các con số 

ĐB Trần Hữu Trí: Báo cáo của UBND TP cho biết chỉ tiêu giảm được 10 điểm ngập nhưng kết quả thực hiện được 13 điểm, quận 6 “vinh dự” có 2/13 điểm nằm trong danh sách đã giảm hiệu quả. Trên thực tế ở quận 6 vẫn chưa thật sự có điểm nào và theo tôi biết thì năm 2013 các cơ quan có liên quan mới bắt đầu làm.

ĐB Huỳnh Quốc Cường: Tôi rất băn khoăn con số báo cáo đẹp: chỉ 3% các đối tượng nghiện tái nghiện sau thời gian cai. Trên thực tế, con số này cao hơn nhiều. Có không ít vụ phạm pháp, cướp giật đều dính tới đối tượng này.

ĐB Lâm Đình Chiến: TP nên công khai quy hoạch 1/500, 1/2000 và quy hoạch ngành với tiến độ cụ thể. Trong đó, bao nhiêu dự án được giao, bao nhiêu dự án đã triển khai được, những dự án chưa triển khai thì nguyên nhân nằm ở đâu? Người dân cần những thông tin thiết thực này hơn những con số đẹp, nhất là về quy hoạch hẻm.

ĐB Dương Văn Nhân:
Một số quyết định của HĐND TP đã biểu quyết thông qua nhưng cơ quan thực thi làm chưa “ngon”. Cụ thể: HĐND TP khi quyết định cán bộ đã cho dự phòng 200 người nhưng một số nơi báo cáo số dự phòng có đến 30% không sử dụng, có nơi Sở Nội vụ duyệt cho đến 205 nhân sự dự phòng. Như vậy, quyết định của HĐND TP không còn giá trị?

ĐB Võ Văn Sen: Báo cáo không nêu rõ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi thấy có dấu hiệu “quên”, xem nhẹ vệ sinh an toàn thực phẩm ở đây. Trong khi đó, năm trước, khi đi kiểm tra, HĐND TP phát hiện hơn 70% cơ sở kiểm tra bị vi phạm. Rồi tình trạng các hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng của TQ tràn ngập thị trường nhưng người dân không thể phân biệt, cơ quan chức năng thì xử lý không xuể, lâu lâu phát hiện vài vụ việc, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn dân nhưng lại không được TP đánh giá đúng mức.

Ông Phạm Quốc Tài: Quyết định 32 về thu phí giữ xe trên địa bàn TP của kỳ họp trước đã không nghiên cứu hết các đối tượng bị ảnh hưởng. Ở quận 2 có nhiều hộ dân lao động, công chức nghèo sống trong các khu chung cư bị ảnh hưởng nhiều từ quyết định này. Trước kia, giá giữ xe chỉ 30.000 - 35.000 đồng/tháng nhưng giờ tăng lên 100.000 - 200.000 đồng/tháng. Nhà có 4 chiếc xe máy thì mất 800.000 đồng/tháng. Ai quan tâm hãy đến chung cư Bình Minh ở quận 2 sẽ thấy: 4 tháng qua người dân quá bức xúc không đóng tiền giữ xe nữa, tranh cãi liên miên, nội bộ chung cư mất đoàn kết, tình hàng xóm cũng căng thẳng theo!

Tin cùng chuyên mục