* Phải có lý do rất chính đáng cho việc lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình
(SGGPO).- Sáng 17-2, phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Nhà Quốc hội.
Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày tờ trình đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo đó, chưa trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 45 của Quốc hội khóa XIII (tháng 3-2016) như dự kiến, mà lùi sang kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV (tháng 10-2016). Người đứng đầu ngành Tư pháp cho biết, qua thảo luận, trong Chính phủ vẫn còn những ý kiến khác nhau về nội dung của dự án Luật, “có những nội dung ý kiến là 50/50, chưa thể quyết định theo hướng nào”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác có liên quan khẩn trương tiếp tục hoàn thiện dự án.
Đáng lưu ý, cũng tại phiên họp này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (ĐB thuộc Đoàn ĐBQH Hà Nội) đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Hành chính công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên một vị ĐBQH thực hiện quyền đề xuất sáng kiến lập pháp. Trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý ghi nhận quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tính khoa học cao của sáng kiến pháp luật này và tán thành việc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét thêm về thời gian cụ thể - ông Phan Trung Lý lưu ý.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh trình bày tờ trình về dự án Luật Hành chính công
* Thảo luận về đề nghị chưa trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ cuối của Quốc hội khóa XIII (tháng 3-2016) như dự kiến, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bày tỏ sự không hài lòng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: “Dự án Luật Biểu tình đã lùi quá nhiều lần. Chỉ một ngày trước phiên họp này, Chính phủ lại gửi tờ trình xin tiếp tục lùi nữa. Đề nghị UBTVQH có ý kiến chính thức với Chính phủ về việc này”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu vấn đề: “Phải làm rõ tại sao Luật Biểu tình cứ lùi thời hạn trình mãi? Không làm được vì sao”?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (QPAN) Nguyễn Kim Khoa cho biết thêm, qua việc tiến hành khảo sát, tổ chức hội thảo…, Ủy ban QPAN thấy việc ban hành luật này là rất bức thiết, nhằm 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất là thực hiện quyền tự do biểu tình đã được Hiến định của công dân. Đây là quyền cuối cùng đã được Hiến định nhưng chưa có luật quy định. Thứ 2, Luật này sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
“Hiện nay dùng Nghị định 38 để điều chỉnh hành vi biểu tình là không đúng với Hiến pháp. Vì thế đề nghị sửa đổi bổ sung nghị định rồi mới nâng lên thành luật cũng không phù hợp. Đây là luật có mức độ ưu tiên cao nhất. Xây dựng pháp luật cũng như xây nhà, phải làm nền trước rồi mới làm nóc nhà, không thể ngược lại được”, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.
Tổng kết thảo luận nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, nguyên tắc quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng xây dựng pháp luật, bên cạnh vấn đề thời gian. “Tôi thấy chương trình kỳ họp thứ 11 đã khá nặng rồi, không nên bổ sung thêm nữa. Nhưng Luật Biểu tình thì đã có trong chương trình và cũng đã điều chỉnh thời hạn nhiều lần rồi, nay không trình được phải báo cáo rõ trách nhiệm trước Quốc hội, chứ UBTVQH không thể quyết nghị cho lùi được. Phải có lý do rất chính đáng cho việc này”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng dứt khoát.
Riêng dự án Luật Hành chính công, theo Chủ tịch Quốc hội, tuy rất đáng hoan nghênh, nhưng còn nhiều nội dung phải suy nghĩ thêm, đặc biệt là về phạm vi điều chỉnh, tính khả thi, do đó tạm thời cũng chưa đưa vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 11 của Quốc hội tới đây.
Cũng trong buổi sáng 17-2, UBTVQH còn cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến đối với nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội.
ANH PHƯƠNG