Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam

(SGGPO).- Sáng 12-1, Đại hội đại biểu toàn quốc XI của Đảng đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham dự của 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng. Tham dự đại hội, ngoài các đại biểu chính thức có các đồng chí nguyên Tổng Bí thư: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Dự đại hội còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đại biểu lão thành cách mạng; các bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu, đại biểu các tôn giáo…

Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh: MINH ĐIỀN
Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Ảnh: MINH ĐIỀN
Tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X: Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Lê Hồng Anh, Phạm Gia Khiêm, Phùng Quang Thanh, Trương Vĩnh Trọng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Văn Chi, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị, Tô Huy Rứa. Tham gia Đoàn Chủ tịch đại hội còn có các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Châu Văn Minh, Giáo sư - tiến sĩ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum; Nguyễn Hoài Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận. Đoàn Thư ký đại hội gồm 5 đồng chí do đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương làm Trưởng đoàn.  
  • Việt Nam ra khỏi tình trạng nước kém phát triển

Trong diễn văn khai mạc đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt chào mừng 1.377 đại biểu, những đại biểu tiêu biểu cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, đại diện cho trên 3,6 triệu đảng viên về dự đại hội trong thời điểm lịch sử rất quan trọng, nhiều ý nghĩa của đất nước và dân tộc. Chủ tịch nước khẳng định, thực tiễn và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta hơn 80 năm qua đã khẳng định tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, quý giá của Đảng và của dân tộc ta, đã dẫn dắt chúng ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

>> Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam

>> Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X

>> Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đã trải qua 25 năm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện 20 năm. 5 năm qua (2006 - 2010), trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Kết quả trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch nước nhấn mạnh, những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau và diễn biến phức tạp, không thể xem thường. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn trước toàn dân tộc. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc, để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

  • Tiếp tục đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị 

Cũng trong buổi sáng 12-1, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội Đảng XI với chủ đề: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định, trong 5 năm qua, nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, một số chỉ tiêu nhiệm vụ Đại hội X đề ra chưa đạt được. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp… Những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn đẩy lùi.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Ảnh: Minh Điền

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X. Ảnh: Minh Điền

Nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém nói trên theo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có một phần do năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. 

Xuất phát từ yêu cầu và dự báo tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 được xác định là chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được tư tưởng chỉ đạo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã đề ra các quan điểm phát triển lớn: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị; mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tổng Bí thư khẳng định, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng đảng viên. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; tổng kết việc sáp nhập một số ban, bộ, ngành để có chủ trương phù hợp. Đảng cũng sẽ tập trung vào đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu công tác cán bộ; trọng dụng người có đức, có tài, xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền; kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ… Về vấn đề kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư cho biết, tiếp tục thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân; thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên khai mạc của Đại hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên khai mạc của Đại hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Cũng trong buổi sáng 12-1, đại hội đã nghe đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. 

* Đến sáng 12-1, Đại hội nhận được 121 điện mừng của các tổ chức, chính đảng và bạn bè quốc tế.

* Trong 8 ngày làm việc, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020; Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương dự kiến khoảng 200 người, trong đó có 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết.

 


Con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển

Chiều 12-1, đại hội làm việc tại các đoàn, thảo luận các văn kiện Đại hội XI gồm: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; Báo cáo chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

  • Dân chủ trong Đảng là tiền đề dân chủ trong xã hội

“Cái gì dân làm được thì để cho dân làm, cái gì cấp dưới làm được việc thì giao quyền cho cấp dưới. Ai cũng hiểu như thế, nhưng thực tế có nhiều cái Nhà nước suy nghĩ thay cho dân, làm thay dân, rồi trung ương làm thay cho địa phương, cấp trên suy nghĩ thay và làm thay cho dưới. Bây giờ, các hội ngành nghề mà Nhà nước cũng “ôm” thì quả là ôm đồm quá!” - Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đặt vấn đề. Hiện hay, hệ thống tổ chức bộ máy từ trung ương xuống cơ sở còn khá cồng kềnh, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy chưa rõ ràng, mối liên hệ trong hệ thống bộ máy có lúc có nơi còn chồng chéo, hoặc rời rạc, lỏng lẻo; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của từng cơ quan chưa được chú ý…

Sự lúng túng này kéo theo sự lúng túng của việc đổi mới nhân sự và đổi mới đội ngũ công chức. Do chưa xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, của tập thể và cá nhân đối với những nhiệm vụ đã được phân cấp nên khi xảy ra sai phạm không biết quy trách nhiệm cho ai, tổ chức nào. Bên cạnh đó, việc phân cấp nhiệm vụ cho cấp dưới chưa bảo đảm tương ứng các điều kiện cần thiết để thực hiện, bởi còn thiếu sự ăn khớp, đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực có liên quan nên chưa tạo điều kiện thực tế cho địa phương chủ động cân đối các nguồn lực và các nhu cầu cụ thể của mình.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ các đại biểu nữ TPHCM tại phiên khai mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ các đại biểu nữ TPHCM tại phiên khai mạc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Quận ủy quận 9 Phan Nguyễn Như Khuê lập luận: “Bộ máy nhà nước và cơ chế quản lý nhà nước có mối quan hệ khăng khít với nhau. Bộ máy nhà nước cũng như cơ chế quản lý nhà nước đều do con người đặt ra. Bộ máy quản lý nào thì sinh ra cơ chế quản lý ấy. Bộ máy quản lý nhiều cấp, cồng kềnh, hình thức, tất nhiên phải sinh ra nhiều cơ chế quản lý, quyền lực cũng phải phân chia, dẫn đến hiệu quả và hiệu lực quản lý đều không cao… nên suy cho cùng, mấu chốt vẫn là con người, con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển”.

Bàn về công tác xây dựng Đảng, nhiều ý kiến cho rằng, đại hội lần này nói nhiều về dân chủ trong Đảng. Bởi dân chủ trong Đảng là tiền đề của dân chủ trong xã hội, dân chủ trong xã hội là môi trường để phát triển dân chủ trong Đảng. Nhiều ý kiến khẳng định, dân chủ là điều kiện để thực hiện tự phê bình và phê bình; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là biểu hiện rõ rệt nhất của dân chủ. Thiếu vắng dân chủ, không bình đẳng giữa người phê bình và người bị phê bình làm biến dạng phê bình, không chỉ trong quan hệ trên - dưới mà trong tất cả các mối quan hệ khác, bao gồm cả quan hệ Đảng với nhân dân.

Theo quan điểm của đại biểu Phạm Phương Thảo: “Thách thức chính mình mới là thách thức lớn nhất”. Việc chất vấn trong Đảng chưa trở thành nền nếp, thói quen chính là vì cấp ủy và tổ chức cấp dưới không dám phê bình thẳng thắn cấp ủy cấp trên, nhất là người đứng đầu. Trong sinh hoạt Đảng, do những lý do khác nhau, nhiều đảng viên không dám nói chính kiến của mình, ngại đấu tranh, phê bình khuyết điểm của cán bộ Đảng, chính quyền cấp trên và cả của đồng chí mình, né tránh các vấn đề phức tạp.

Tình trạng thiếu dân chủ thường đi đôi với hiện tượng quan liêu, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhân (Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM) cho rằng: “Rất nhiều vụ việc tham nhũng không phải do tổ chức Đảng và đảng viên tại chỗ phát hiện mà đều do đảng viên cấp dưới, quần chúng hoặc cơ quan báo chí, cơ quan pháp luật phát hiện. Điều đó cho thấy sự yếu kém về sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên”.

Có một nguyên nhân là còn nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Không ít cán bộ lãnh đạo chưa quen với những thông tin ngược chiều, không thích nghe ý kiến khác với ý kiến của mình. Rõ ràng là ta còn thiếu những cơ chế cụ thể, có hiệu lực bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung trong Đảng.

Đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần phát triển đất nước. Ảnh: THÁI BẰNG

Đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần phát triển đất nước. Ảnh: THÁI BẰNG

  • Chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực

Tại đoàn Hà Nội, góp ý vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, phần xây dựng Đảng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trần Quang Cảnh cho rằng, cần nhấn mạnh thêm 2 yếu tố “đạo đức và văn minh”. Đại biểu Cảnh phát biểu: “Đảng có trình độ, có đạo đức và văn minh ngang tầm thời đại mới có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà nhân dân giao phó...”. Nhiều ý kiến tại đoàn Hà Nội nhấn mạnh việc đấu tranh chống thoái hóa biến chất trong cán bộ, đảng viên cần phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức, nâng cao trí tuệ dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, cần làm rõ và đề cập sâu tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với tinh thần coi con người là chủ thể trung tâm, nguồn lực chủ yếu để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu. “Làm gì cũng phải bắt đầu từ con người. Có đột phá được hay không là nhờ bộ máy... Nguồn nhân lực hiện dồi dào nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu. Do đó, phải có chính sách thu hút, bồi dưỡng, đào tạo cho được những nhân tài thực sự. Đồng thời, cũng cần cơ chế để loại trừ những cán bộ không đủ năng lực ra khỏi bộ máy, nhường chỗ cho những người xứng đáng hơn” - đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Về vấn đề nguồn nhân lực, theo đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (đoàn đại biểu Khối các cơ quan Trung ương), vấn đề phát triển nhanh nguồn nhân lực mà đặt 10 năm là không làm nổi, bởi quá trình phát triển nguồn nhân lực là rất dài hơi. Có thể một ý nào đó chúng ta sốt ruột thật, muốn làm ngay, nhưng phải có thời gian mới có thể làm được.

Đại biểu Thuận cũng nhấn mạnh đến khâu đột phá cần phải thực hiện là xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo đó, trước hết phải là giao thông. “Trong đó, trước hết phải là đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Cần phải đầu tư làm lại con đường quốc lộ Bắc – Nam thật hiện đại, khoa học chứ không nên làm chắp vá. Thứ hai, Hà Nội, TPHCM dứt khoát phải có đường trên cao, phải có tàu điện ngầm. Chúng ta có thể đầu tư ngân sách vào đó, giao cho các địa phương tự chịu trách nhiệm. Các đồng chí trong nhiệm kỳ tới cần phải thực hiện được điều đó. Bởi nó rất thiết thực và thiết yếu đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước nói chung; đừng vội nghĩ đến đường lên vũ trụ, hay cao tốc gì cả...” – đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

NGHĨA – SƠN – LƯU

Tin cùng chuyên mục