(SGGPO).- Sau nhiều tranh cãi dẫn tới việc phải thay đổi phương án thi công cầu vượt tại khu vực Ô Chợ Dừa để không làm xâm hại tới di tích đàn tế Xã Tắc, hôm qua, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã hội thảo báo cáo kết quả khai quật khảo cổ tại địa điểm nút giao thông đặc biệt này với sự tham dự của đại diện Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Cục Di sản văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.
Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ nhiệm công trường khai quật, cho biết 4 hố đào thám sát được mở tại vị trí các trụ cầu vượt, nhánh Khâm Thiên- Hoàng Cầu không thu được nhiều di vật. Theo kết quả khảo cổ bước đầu cho thấy ngoài hố số 4 hoàn toàn không có di tích, di vật, 3 hố còn lại đều phát hiện di vật thuộc các thời đại khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các hiện vật tìm thấy trong đợt khai quật nút giao thông Ô Chợ Dừa đều là vết tích bếp đun nấu, nền đất đắp… và không hề thấy có sự xuất hiện của vật liệu kiến trúc.
PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định, việc thám sát vừa qua cho thấy nơi đây đã từng có sự cư trú của người trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, các địa điểm xác định xây mố cầu (vừa tiến hành thám sát) không thuộc trung tâm của di tích đàn tế.
Như vậy, trong 80m² thám sát với 4 hố đào tại các trụ cầu, phục vụ hoàn thiện phương án mới thiết kế giao thông nút giao Ô Chợ Dừa, các nhà khảo cổ đã không tìm thấy dấu tích kiến trúc đàn tế Xã Tắc. Tuy nhiên, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã đưa ra đề nghị, việc thám sát, khai quật hiện mới chỉ được tiến hành trên một diện tích không lớn so với nhu cầu nghiên cứu khảo cổ học lịch sử ở khu vực này. Vì thế, trong quá trình thực hiện Dự án Xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa- Hoàng Cầu vẫn cần có sự phối hợp giữa đơn vị thi công và các nhà nghiên cứu; trường hợp có vấn đề phát sinh sẽ chủ động và kịp thời đưa ra phương án hợp tình hợp lý, tránh xâm hại đến hiện trạng đường La Thành (di tích La Thành Thăng Long) và khu vực di tích Đàn Xã Tắc.
MAI AN