Liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc
Sáng 23-11, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị liên kết phát triển vùng Tây Bắc. Tham dự có lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh Tây Bắc, TPHCM và nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các vấn đề về hạ tầng giao thông, ưu đãi thu hút đầu tư, vốn hỗ trợ doanh nghiệp… đã được các đại biểu bàn luận nhằm khai thác hiệu quả “kho báu” thiên nhiên vùng Tây Bắc.
“Đánh thức” tiềm năng du lịch Tây Bắc
Vùng Tây Bắc được ví như là một kho báu về tài nguyên thiên nhiên, phong cảnh hữu tình nhất của đất nước. Nơi đây có 12 khu du lịch quốc gia mà ai một lần đến cũng không thể quên, đó là cao nguyên đá Đồng Văn, thác Bản Giốc, Mẫu Sơn, hồ Ba Bể, Tân Trào, hồ Núi Cốc, Sa Pa, hồ Thác Bà, Đền Hùng, Mộc Châu, Điện Biên Phủ - Pá Khoang, Hồ Hòa Bình và 4 điểm du lịch quốc gia là TP Lào Cai, TP Lạng Sơn, Pắc Pó, Mai Châu. Ngoài ra, vùng Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ với đồi núi trùng điệp, hoang sơ, những đồi chè bạt ngàn, những ruộng lúa bậc thang đẹp như tranh vẽ. Về văn hóa, nơi đây có 32 dân tộc anh em với văn hóa đa sắc và độc đáo.
Tiềm năng du lịch vùng Tây Bắc phong phú, hấp dẫn, đặc sắc nhưng lâu nay do hạ tầng giao thông chưa phát triển đa dạng, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa tốt nên vẫn là vùng tài nguyên nguyên sơ, chưa khai thác.
Năm 2014 toàn vùng chỉ đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chỉ 1,5 triệu lượt (chưa bằng 10% lượng khách quốc tế của cả nước). Do vậy, khu vực Tây Bắc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, khiến người dân vẫn sống nghèo giữa “kho” tài nguyên thiên nhiên.
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm vùng Tây Bắc
Hội nghị đã tập trung “đánh thức” tiềm năng du lịch vùng Tây Bắc. Qua đó, tập trung giải quyết bài toán hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN) đầu tư, như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là sẽ không thiếu vốn cho DN vay đầu tư. Về giao thông, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phải đa dạng hóa phương tiện giao thông (đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hàng không) phục vụ du khách. Đồng thời, các giải pháp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng (chè, cam quýt, mận, đào…) phục vụ du khách là những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng thời gian tới.
“Chỉ số hài lòng”: Vẫn là dịch vụ!
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thời gian qua, TPHCM đã cải thiện môi trường du lịch thân thiện hơn, tập trung liên kết với các tỉnh, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Thời gian tới, TPHCM vẫn là cửa ngõ, tiếp tục làm đầu mối tiếp nhận và đưa du khách đến khám phá vùng Tây Bắc, đẩy mạnh hoạt động liên kết du lịch giữa hai bên.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển du lịch, từng địa phương phải chủ động, dựa vào khả năng của mình. Một đại biểu phân tích, phát triển du lịch không phải cứ có tiền mới làm được, mà phải bắt đầu từ những việc không tiền. Vì suy cho cùng, ngành du lịch là ngành dịch vụ, mà “chỉ số hài lòng” là bắt đầu làm hài lòng từ những điều nhỏ nhặt. Chẳng hạn, vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng, các điểm đến, trạm dừng, quán ăn; việc chèo kéo du khách bán hàng, du khách muốn chụp hình với các cô thôn nữ thì bị xin tiền… khiến khách mất thiện cảm. Chấn chỉnh các vấn đề đó, từng địa phương phải thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, có biện pháp răn đe, đâu cần tiền mới làm được. Một DN phát biểu, để thu hút du khách đã khó, mà giữ chân du khách càng khó hơn, rồi làm sao để du khách quay lại thì phải chấn chỉnh những việc nhỏ nhất như thế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: TPHCM là điểm đến quốc tế quan trọng, ngành du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong GDP của TP. Do vậy, hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Tây Bắc tại TPHCM là để làm rõ tiềm năng, lợi thế và giới thiệu những cơ chế, chính sách ưu đãi, các dự án trọng điểm thu hút đầu tư phát triển du lịch tại các địa phương vùng Tây Bắc đến các nhà đầu tư, DN ở TPHCM. Theo đó, cần có chính sách đầu tư cho du lịch thông thoáng hơn, xây dựng các điểm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút du khách, các tỉnh xây dựng chiến lược thị trường và truyền thông ở địa phương mình, giữ gìn văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đồng thời, đây là buổi đối thoại và trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Phó Thủ tướng cũng đề nghị TPHCM quan tâm, khuyến khích các DN, đơn vị lữ hành đưa khách du lịch đến vùng Tây Bắc. Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị này mở ra một chương mới trong hợp tác phát triển, nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch cho Tây Bắc phát triển.
HÀN NI