Nhiều nhà khoa học, ngành chức năng, nông dân sản xuất giỏi… cùng tham dự hội thảo khoa học về thành tựu “20 năm khai thác và phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX)” diễn ra ngày 22-11 tại An Giang.
Khẳng định hướng đi đúng
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước, thông báo với hội thảo kỷ niệm khó quên về TGLX: “Ngày mùng 3 Tết Âm lịch năm 1988, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó) đã triệu tập cuộc họp tại UBND huyện Tri Tôn về khai thác tiểu vùng TGLX. Tháng 4-1988, chương trình khai thác TGLX ra đời, đánh dấu bước phát triển toàn diện ở vùng đất này”.
Thay mặt Ban tổ chức, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang khẳng định, khai thác vùng TGLX đã đem lại những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Từ chỗ đất đai hoang hóa, nhiễm phèn nặng, thiếu nước ngọt sản xuất, nông nghiệp chậm phát triển, đời sống người dân khó khăn… nhờ khai thác đúng hướng đã đưa TGLX trở thành một trong những vùng trọng điểm về sản xuất lương thực ở ĐBSCL với hơn 4,73 triệu tấn lúa/năm, góp phần tích cực vào xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lượng thực quốc gia.
Hơn 245.083 ha đất ở TGLX của An Giang được khai thác hợp lý, tạo ra sản lượng lúa năm 2011 trên 2,7 triệu tấn, chiếm 70% sản lượng lúa toàn tỉnh; nuôi trồng thủy sản đạt 170.000 tấn mỗi năm, chiếm 50% sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh và góp 60% về giá trị xuất khẩu. Đồng quan điểm trên, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, để đạt được sản lượng lúa 4,2 triệu tấn trong năm 2012 (dẫn đầu cả nước về lương thực) thì hiệu quả từ khai thác vùng TGLX đem lại rất lớn.
Riêng huyện Hòn Đất đạt hơn 883.000 tấn lúa/năm, chiếm ¼ sản lượng lúa của tỉnh Kiên Giang. Theo các nhà khoa học, phát triển hệ thống thủy lợi kết hợp cùng đê bao và đường giao thông chính là yếu tố then chốt đem lại thành công trong công cuộc khai thác TGLX. Những công trình thoát lũ như kênh Vĩnh Tế, kênh T 4, T 5, T 6… giúp tháo chua, rữa phèn, dẫn nước ngọt, giảm ngập lũ rất hiệu quả. Sản xuất lúa từ 1 vụ tăng lên 2 vụ ăn chắc và nay là 3 vụ/năm.
Thách thức bài toán bền vững
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững TGLX trong thời gian tới còn nhiều thách thức. Ông Huỳnh Thế Năng lo ngại: “Nông nghiệp ở TGLX phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững. Chất lượng, hiệu quả, giá trị tạo ra còn thấp; trong khi suy thoái về môi trường tăng đang là thách thức trước mắt và lâu dài”.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân đặt vấn đề: “Nói lúa gạo và thủy sản là thế mạnh của TGLX nhưng đến nay các địa phương chưa chú trọng đầu tư khai thác thêm về công nghiệp xay xát, lau bóng, tách màu gạo. Chế biến thủy sản, thức ăn… chưa được đầu tư nhiều. Mặt khác, tiềm năng du lịch ở TGLX rất đa dạng nhưng chưa được kết nối chặt với nhau để thu hút khách. Các cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Xà Xía… phát huy chưa như mong muốn. Để TGLX thay da đổi thịt, khởi sắc hơn trong thời gian tới, ngoài lĩnh vực nông nghiệp thì cần đầu tư phát triển một cách đa dạng, toàn diện hơn trên nhiều mặt”.
Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ chi phối vùng TGLX và bờ biển Rạch Giá - Hà Tiên chịu tác động trực tiếp. TGLX còn bị ảnh hưởng từ nguồn nước ở thượng nguồn, các dự án đập thủy điện trên sông Mekong… Vì vậy, sản xuất nông nghiệp tới đây ở TGLX cần thay đổi cơ cấu phù hợp theo tình hình mới. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cơ cấu nội bộ ngành trồng trọt ở vùng TGLX đang mất cân đối, cây lúa vẫn chiếm tới 80% giá trị. Do đó, phải nhanh chóng tìm ra giải pháp chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nhằm giảm rủi ro và hướng tới nền sản xuất bền vững.
| |
Huỳnh Phước Lợi