Khai thông đầu tư ra nước ngoài

Khai thông đầu tư ra nước ngoài

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay đã có 15 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 89,5 triệu USD. Con số này đã nâng tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài đạt 1 tỷ USD với khoảng 200 dự án.

Nắm bắt thời cơ

Khai thông đầu tư ra nước ngoài ảnh 1

Thu hoạch mủ cao su tại Bình Phước. Ảnh: Hùng Tín

Tính đến đầu năm 2007, Việt Nam có 183 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 968 triệu USD. Các dự án đầu tư này tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 40,9% số dự án và 74,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông nghiệp 19,6% số dự án và 13,3% tổng vốn đầu tư; số còn lại nằm trong lĩnh vực dịch vụ… Các dự án trên đã được triển khai tại 33 nước và vùng lãnh thổ, nhiều nhất tại Lào với 70 dự án tổng vốn 461 triệu USD, tiếp theo là Algeria, Iraq, Campuchia, Liên bang Nga...

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2007 của ngành công nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ để tập trung triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài. Kinh nghiệm thực tế tại Lào cách đây 5-7 năm cho thấy, mặc dù Lào đã có những chính sách ưu đãi đặc thù đối với các dự án thủy điện, nhưng do các doanh nghiệp trong nước mải tập trung triển khai hàng loạt dự án đầu tư nguồn điện trọng điểm trong nước nên đã bỏ qua cơ hội này. Mãi đến cuối năm 2006, ngành điện mới khởi công xây dựng dự án đầu tiên ở Lào (dự án thủy điện Sakaman 3, công suất 250 MW có tổng vốn đầu tư 273 triệu USD), trong khi vào thời điểm này đã có đến 26 dự án điện của Thái Lan được triển khai tại Lào. 

Sự kiện khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên ở nước ngoài từ mỏ Sendor (tại lô PM 3.04, Malaysia) năm 2006 được giới doanh nhân chú ý. Năm trước cũng được giới doanh nhân đánh giá là năm có những chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài với 33 dự án, tổng vốn đăng ký trên 136,5 triệu USD. Ngoài ra, có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 211 triệu USD. Trong đó điều chỉnh giấy phép tăng vốn cao nhất là của Tập đoàn Dầu khí Việât Nam, tăng thêm 208 triệu USD đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại Algeria (sau khi đã phát hiện được dầu).

Cần một chiến lược bài bản

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2007, với các dự án đang xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài và tăng vốn, ta có khả năng đạt mức 300-350 triệu USD, qui mô dự án bình quân 50 triệu USD, trong đó vốn thực hiện khoảng 100 triệu USD. Tình hình đầu tư ra nước ngoài càng sôi động vì ngoài thị trường Lào, các thị trường mới tiềm năng cũng đang được chú ý như Campuchia (hàng tiêu dùng), các nước châu Mỹ latinh (thăm dò và khai thác dầu khí)...

Ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, người có kinh nghiệm đầu tư vào thị trường Lào, nhận xét những chính sách mới được ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với đầu tư ra nước ngoài đã kích thích nhiều doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP (ngày 9-8-2006) qui định về đầu tư trực tiếp nước ngoài thay thế Nghị định 22//1999/NĐ-CP. Nghị định mới đã đơn giản hóa các thủ tục đầu tư ra nước ngoài, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các cơ hội làm ăn, giảm được chi phí và thời gian trong quá trình triển khai các dự án đầu tư.  

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, không nên bỏ qua các cơ hội làm ăn tại các nước, nhất là tại các nước trong WTO. Các doanh nghiệp đề nghị tiếp tục hoàn thiện các chính sách và hành lang pháp lý để hỗ trợ quá trình triển khai dự án và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài; sớm ban hành Đề án khuyến khích đầu tư ra nước ngoài; tiếp tục cải tiến, đơn giản và thông thoáng hơn các thủ tục thẩm định và cấp phép cho các dự án đầu tư ra nước ngoài. Doanh nghiệp cũng cần Nhà nước hỗ trợ thông tin chính xác, cụ thể về thị trường, giúp doanh nghiệp nắm bắt thời cơ để đầu tư…

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục