Với lộ trình sẽ có 90% dân số tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) vào năm 2020, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang “thúc” triển khai BHYT về tận trạm y tế phường, xã, phòng khám bác sĩ gia đình để tiến tới BHYT toàn dân. Còn tại các bệnh viện công lập vốn quá tải, bệnh nhân lâu nay đã “ngán” BHYT vì sự nhiêu khê, tắc trách. Tuy nhiên, song song đó còn có hệ thống y tế tư nhân nhưng chưa được cơ quan BHXH… mặn mà.
Lèo tèo cho có
Ngày đầu tuần, tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình STO Phương Đông (quận 10, TPHCM), lượng bệnh nhân đến đông hơn hẳn, trong đó có một lượng nhỏ bệnh nhân khám diện BHYT. Bác sĩ Lê Đức Tố, Giám đốc bệnh viện, mặc dù vội vã đi công tác nhưng vẫn nhắc nhở nhân viên “cần chu đáo và tận tình với bệnh nhân hơn”. Đã hoạt động từ nhiều năm qua, nhưng đến tháng 10-2012, Bệnh viện STO Phương Đông mới chính thức được BHXH TPHCM ký hợp đồng cho khám BHYT.
“Mới bắt đầu khám BHYT gần một năm nay nhưng số đăng ký chưa nhiều, mỗi ngày khoảng 20 - 30 ca”, ông Hoàng Đình Lương, Phó giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông cho biết. Song, để được khám BHYT, bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất và thủ tục gần cả năm trời để được thẩm định, xét duyệt. Về cơ bản, theo ông Lương, bệnh viện đảm trách tất cả các bệnh tình như bệnh viện đa khoa nhưng thực ra đối tượng khám diện BHYT vẫn chưa thu hút được, bởi họ có tâm lý vô bệnh viện tư thì chi phí nhiều. Trong khi đó, cái bệnh nhân được hưởng khi khám BHYT tại bệnh viện tư là luôn được đón tiếp ân cần, chu đáo, không phải chờ đợi lâu và thủ tục nhiêu khê như ở bệnh viện công. Mặt khác, đối với những bệnh tình vượt quá chuyên môn của bệnh viện sẽ được chuyển đến các bệnh viện công hoặc tư khác một cách thuận tiện, không phiền hà nhiều. “Nói chung, bệnh viện rất cầu thị đón tiếp bệnh nhân BHYT và luôn tạo điều kiện tốt nhất trong các thủ tục khám, điều trị”, ông Lương nói.
Tuy nhiên, có những bệnh viện tư, bệnh nhân BHYT lại là nguồn thu cơ bản cho bệnh viện. Ví như Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh hiện đã có tới hơn 40.000 thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu, chưa kể số bệnh nhân BHYT vãng lai hay trái tuyến. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2013, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã khám gần 58.000 lượt bệnh nhân diện BHYT. Bên cạnh đó, một số phòng khám khác Phước An, Kỳ Hòa cũng có số bệnh nhân đăng ký khám BHYT khá lớn. Dù vậy, điểm qua hệ thống y tế tư nhân, số cơ sở đảm nhận khám BHYT vẫn chưa nhiều, thậm chí có phòng khám “chạy đua” xin khám BHYT nhưng do lượng bệnh nhân quá ít nên BHXH thành phố cắt hợp đồng như trường hợp Phòng khám An Khang ở quận 1.
Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, hiện BHXH thành phố đã ký hợp đồng khám BHYT với 44 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 8 bệnh viện tư. Tuy nhiên, lâu nay hệ thống y tế tư thu hút bệnh nhân khám BHYT quá ít và hiện chỉ đảm đương khoảng 10% trên tổng số thẻ đăng ký khám BHYT. “Về quan điểm, BHYT không ép buộc bệnh nhân về đăng ký khám tại các cơ sở y tế tư nhân mà để người bệnh tự lựa chọn nếu thấy phù hợp”, bà Huyền nói.
Chi phí gần bằng khám dịch vụ
Thực tế cho thấy, việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân chưa nói đến chất lượng chuyên môn nhưng chất lượng dịch vụ được đa số bệnh nhân nhìn nhận dễ chịu hơn so với khám BHYT ở bệnh viện công lập. Điều này được một bộ phận người bệnh có điều kiện sẵn sàng mua BHYT tự nguyện hoặc đăng ký khám ban đầu tại bệnh viện tư hoặc chuyển BHYT từ công sang tư để được hưởng dịch vụ tốt hơn. Trong khi đó, phần đông người bệnh tham gia BHYT e ngại vào bệnh viện hay phòng khám tư vì phải đóng thêm mức phụ thu chênh lệch cao. Một bệnh nhân thừa nhận nếu khám BHYT tại bệnh viện tư thường ít nhất phải đóng thêm phụ thu 100.000 đồng gồm cả tiền công, tiền thuốc. Còn nếu trong trường hợp điều trị có thể phần phụ thu chênh lệch ngoài BHYT nhiều hơn. “Cái khó là bệnh nhân chưa hiểu phải đóng thêm phần phụ thu nên phải giải thích. Có trường hợp giải thích hiểu rồi thì bệnh nhân thấy BHYT thanh toán không bao nhiêu nên chuyển qua khám dịch vụ luôn”, ông Hoàng Đình Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông lý giải.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc cơ sở y tế tư chưa thu hút bệnh nhân BHYT một phần do phụ thu chênh lệch cao, trong khi phần lớn bệnh nhân chưa có điều kiện. “Ví dụ một bệnh nhân diện BHYT mổ ruột thừa tại bệnh viện công sẽ được thanh toán BHYT 70% - 95%, tương đương 3 - 4 triệu đồng chẳng hạn, nhưng vô bệnh viện tư thì ngoài phần BHYT thanh toán ra có thể đóng thêm 2 - 3 triệu đồng nữa nên người dân chưa mặn mà. Còn nếu phần phụ thu vừa phải, hợp lý với chất lượng dịch vụ tốt chắc chắn sẽ thu hút bệnh nhân BHYT”, một chuyên gia y tế phân tích. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, phụ thu chênh lệch cao chính là rào cản nên bệnh nhân BHYT chưa đăng ký khám chữa bệnh nhiều tại các cơ sở y tế tư nhân. Còn theo quy định, nếu bệnh nhân không chấp nhận đóng khoản thu chênh lệch thì bệnh viện phải có trách nhiệm chuyển đến bệnh viện công lập. “Trong điều khoản ký với Bảo hiểm xã hội là cơ sở y tế tư phải công khai, giải thích chi phí phụ thu cho bệnh nhân để bệnh nhân BHYT quyết định lựa chọn”, bà Huyền nói.
Mặc dù quyền lợi có phần mở rộng trong các năm qua nhưng tổng số người tham gia BHYT mới đạt khoảng gần 65% dân số. Theo Luật Bảo hiểm y tế, đến năm 2014 bắt buộc toàn dân phải mua BHYT. Thế nhưng, để đạt mục tiêu, ngành y tế và BHXH đang thúc đẩy khám BHYT về tận trạm y tế phường, xã, phòng khám bác sĩ gia đình vốn không đủ máy móc thiết bị và nhân sự. Còn các bệnh viện tư, phòng khám tư lại chưa được khuyến khích, hấp dẫn người dân khám BHYT
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 70% số đối tượng tham gia BHYT hiện nay được ngân sách nhà nước bảo đảm, hỗ trợ mức đóng (chiếm 40% tổng quỹ BHYT). Ngược lại, tỷ lệ chi trực tiếp tiền túi của hộ gia đình khi khám chữa bệnh vẫn còn cao, chiếm tới 49,3%. Qua đó cho thấy vẫn còn sự mất công bằng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế của người dân tham gia BHYT.
Tường Lâm