Khấm khá nhờ nghề làm tủ thờ

Khấm khá nhờ nghề làm tủ thờ

Không biết  từ khi nào và đã bao nhiêu thế hệ người thợ tại ấp Ông Non, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang đã gắn bó với nghề đóng tủ thờ. Chỉ biết những chiếc tủ bằng gỗ quý, chạm trổ, trang trí mang đậm tính cách Nam bộ do những nghệ nhân nơi đây làm ra đã được tiêu thụ khắp mọi miền đất nước và cả xuất ngoại...

Khấm khá nhờ nghề làm tủ thờ ảnh 1
Khách hàng chọn mua mua tủ thờ tại cơ sở Thanh Tùng. Ảnh: Trường Khanh

Anh Ngô Tấn Vũ, chủ cơ sở mộc Ba Đức 3, cho biết: “Làm nghề đóng tủ thờ cực nhưng sản phẩm làm ra được khách hàng ưa thích, mình cũng thấy hãnh diện”. Anh Vũ là đời thứ tư của dòng họ có thâm niên hơn trăm năm theo nghiệp tủ thờ. Thương hiệu Ba Đức là tên riêng của cha anh, được chia cho 4 người con cùng sử dụng để nối nghiệp, từ cơ sở Ba Đức 1 đến Ba Đức 4. Anh Vũ vào nghề từ lúc 17 tuổi, đến nay đã có thâm niên trên 20 năm gắn bó với nghề.

Trước đây để hoàn thành một chiếc tủ thờ tốn rất nhiều thời gian, khoảng 30 ngày cho một tủ thông thường. Nếu tủ cao cấp có chạm trổ và cẩn xà cừ thì phải tốn gấp đôi thời gian. Chính vì công việc chỉ có một thợ đảm nhiệm từ chọn gỗ, cưa, xẻ đến việc trang trí, chạm trổ… đã tạo nên những người thợ đạt đẳng cấp “văn võ song toàn”.

Còn bây giờ, những công việc này được thực hiện trên máy như bào liên hợp, tiện, lọng, đánh bóng bằng thổi sơn P.U nên rút ngắn thời gian làm việc và tăng năng suất. Hiện cơ sở anh Vũ có 30 thợ được chia thành nhiều công đoạn như cưa, xẻ, tiện, lắp ráp, chạm cẩn và cuối cùng là thổi sơn. Tùy theo tay nghề, người thợ được trả công từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Thanh Tùng 36 tuổi, chủ cơ sở mộc Thanh Tùng, mặc dù không được thừa hưởng sự truyền nghề từ cha ông, nhưng đã giàu lên từ nghề đóng tủ thờ. Cha anh mất khi anh mới tròn 5 tuổi. Năm 13 tuổi, anh bỏ học đi làm công tứ xứ nuôi mẹ và em. Năm 1990, anh trở về mở cơ sở đóng tủ thờ.

Sau 10 năm miệt mài lao động, tằn tiện, anh mua miếng đất khoảng 500 m2 cạnh QL 50 mở xưởng. Nhờ chịu khó nghiên cứu, xưởng của anh luôn có nhiều mẫu mã mới, được nhiều khách hàng ưa thích. Cuộc sống gia đình anh cũng từ đó khấm khá hẳn lên. Anh mới sắm một chiếc… Toyota Vios và mua thêm 500 m2 đất nữa để mở rộng sản xuất, nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng ngày càng tăng.

Tủ thờ Gò Công chủ yếu làm bằng các loại gỗ quý hiếm như mun, cẩm lai và gỗ đỏ. Sự sang trọng và bề thế của chiếc tủ được thể hiện thông qua hình thức tủ trụ đơn hay trụ kép, có từ 3 đến 21 trụ cho mỗi chiếc tủ. Thông qua bàn tay người thợ, tủ được chạm trổ hoa văn, đường viền, được khảm, cẩn xà cừ, ngọc trai, sò điệp, bào ngư nhằm diễn tả những điển tích cổ xưa mà người Nam bộ ưa thích như: Nhị thập tứ hiếu; Tứ linh (long-lân-quy-phụng), Bốn mùa (mai-lan-cúc-trúc). Giá của mỗi chiếc tủ từ 15 đến 20 triệu đồng, nếu khảm toàn bộ bằng xà cừ thì giá lên đến 80 triệu đồng.

Thế nhưng làng nghề Ông Non đang rất khó khăn về nguyên liệu đóng tủ thờ. Hiện nguồn gỗ tại làng nghề dựa vào nguồn mua thông qua đấu giá tại các trạm kiểm lâm ở những địa phương có rừng bị cưa hạ trái phép, hoặc các nguồn gỗ nhập từ Lào, Campuchia. Nguồn nguyên liệu này lại không thường xuyên và có thể cạn kiệt.

Anh Phạm Văn Nam, Chủ tịch Nghiệp đoàn mộc tủ thờ ấp Ông Non, cho biết nghiệp đoàn ra đời từ năm 1981, đến nay có 72 hội viên với hơn 500 lao động, hàng năm sản xuất gần 500 tủ thờ có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì thế anh rất muốn chính quyền hỗ trợ, giúp làng nghề ổn định và phát triển.

Tấn Hà

Tin cùng chuyên mục