Khám phá độc đáo về văn hóa Tây Nguyên

Khám phá độc đáo về văn hóa Tây Nguyên

Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về “Nghi lễ và phong tục các tộc người ở Tây Nguyên” (NXB Khoa học xã hội, GS-TS Ngô Đức Thịnh tuyển chọn và giới thiệu): “…Có cả một bộ từ điển triết học bách khoa vô tận ở các dân tộc này được biểu hiện trong các nghi lễ khác nhau, và qua các luận văn này các anh chị học viên cao học Tây Nguyên đã bước đầu khai mở kho tàng vô giá đó cho chúng ta”.

Khám phá độc đáo về văn hóa Tây Nguyên ảnh 1

Năm 2001, Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) đã triển khai dự án: “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên”. Một vấn đề đặt ra là cần có đội ngũ cán bộ người dân tộc bản địa tham gia điều tra, sưu tầm, đặc biệt là phiên dịch và sau này là nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản trong xã hội hiện đại.

Viện đã tiến hành khóa đào tạo cao học văn hóa dân gian đầu tiên dành cho người dân tộc thiểu số Tây Nguyên với 12 học viên thuộc các dân tộc Êđê, Mnông, Xtiêng, Bana, Xơđăng, Hrê, Giarai. Đó là các tộc người đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của Tây Nguyên.

12 luận văn cao học của lớp cao học văn hóa dân gian đầu tiên đều đạt kết quả xuất sắc và giỏi. Trong đó, một số công trình có sự tìm tòi về hình thức tư duy, diễn đạt và thể hiện nội dung khoa học, khiến người đọc phải kinh ngạc và thán phục. Các tác giả thể hiện rất cụ thể về một số lễ tục của các dân tộc ở Tây Nguyên và trong mỗi dân tộc lại khai thác từng nhánh, từng nhóm nhỏ, từng bản. Các điều tra về dân tộc học được tiến hành trân trọng, kỹ càng và trong một số trường hợp đã đạt đến độ tinh tế.

Công trình “Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ liên quan tới linh hồn của người Xơteng ở Tu Mơ Rông” của Phạm Thị Trung là một ví dụ. Theo quan niệm của người Xơteng đứa bé mới sinh ra thì chưa thành người, vì chưa có hồn, chính trong lễ khai tâm, nữ thần Jă Ka Đo mới đặt vào thân thể nó một quả tim để nó có thể thành người. Tác giả còn ghi nhận được nhiều tư liệu thú vị. Người Xơteng quan niệm, con người có 6 linh hồn. Ngoài linh hồn thứ nhất phụ trách hơi thở, máu và nhịp tim…, 5 linh hồn còn lại quản lý các đức tính cần thiết của con người như: đức hòa hiếu trong gia đình; sự lao động chăm chỉ, khéo léo, tài ba trong công việc; lòng hiếu khách; tính thật thà; và linh hồn thứ 6 đảm bảo một việc hết sức quan trọng là giữ cho con người luôn biết tôn trọng các quy phạm với thần linh…

Việc sưu tầm, nghiên cứu, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số không gì tốt hơn là sử dụng chính những người bản địa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện còn quá ít người dân tộc thiểu số được trang bị đầy đủ kiến thức cho công tác này. 12 cử nhân cao học văn hóa dân gian của khóa đầu tiên chưa phải là nhiều. Nhưng đó sẽ là những hạt nhân nòng cốt và là bước khởi đầu thuận lợi trong việc đào tạo ngày càng nhiều những cử nhân cao học người dân tộc thiểu số. Để từ ấy, họ trở thành những nhà nghiên cứu văn hóa của chính dân tộc mình.

DIÊN VỸ

Tin cùng chuyên mục