(SGGPO).- Sáng 26-12, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức lễ công bố chính thức kết quả khảo sát hang động núi lửa tại tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên.
Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn cho biết, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” mà Bảo tàng Địa chất (cơ quan trực thuộc Tổng cục) chủ trì đã phát hiện các hang động núi lửa trong đá bazan ở xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Từ kết quả trên, các nhà khoa học Nhật Bản do TS Hiroshi Tachihara, Chủ tịch danh dự Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản và TS Tsutomu Honda, Chủ tịch Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản, dẫn đầu đã đến Việt Nam cùng nghiên cứu, khảo sát.
Kết quả khái quát cho thấy, liên quan đến núi lửa Chư B’Luck, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông có hàng chục hang động trong đá bazan hết sức độc đáo. Hiện tại đã có 3 hang động được khảo sát chi tiết; trong đó có một hang (ký hiệu C7) là hang núi lửa dạng ống có chiều dài 1.066,5m - dài nhất Đông Nam Á trong số các hang động loại này đã được phát hiện. Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào, như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm.
TS Tsutomu Honda, Chủ tịch Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản cho biết nhiều phát hiện rất thú vị. Chẳng hạn, có những lưới bẫy dơi bị bỏ lại trong hang C3, hang dài thứ 5 trong hệ thống hang động đã được phát hiện ở Đông Nam Á (trong khi C7 là hang dài nhất). Trong hang C3 cũng đã phát hiện những thân cây hóa thạch rất đẹp và thạch nhũ (silicat) trên thành hang. Nền và trần hang khá mịn, màu sắc đẹp.
Hang C7 lại hấp dẫn các thành viên đoàn khảo sát ở khía cạnh khác, với nhiều động vật sống được phát hiện: nhiều giống sên chưa được xác định, ếch và cả… rắn Cạp Nia có khoang đen trắng! Trong lòng hang có những khoảng rộng bằng phẳng. Dung nham với nhiệt độ cao cũng đã tạo nên những hình thù kỳ thú trong hang. Ở hang C8, các thành viên đoàn khảo sát đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ánh mặt trời rạng rõ chiếu vào cửa hang. Một vị trí có độ cao và không gian rộng lớn, huyền bí được các nhà khảo sát đặt tên là “Đền Thờ Lớn” có nhiều cây nấm mọc lên từ những khúc cây gỗ mục…
“Còn rất nhiều hang khác với giá trị địa chất và thẩm mỹ cao sẽ tiếp tục được khám phá”, nhà khoa học Nhật Bản nói.
ANH PHƯƠNG