“Khẩn cấp ngăn mặn, giữ ngọt, chống sạt lở. Các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo, bằng các giải pháp phù hợp, sáng tạo, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, những cực khổ của nông dân. Trước mắt, phải đảm bảo nước ngọt, hợp vệ sinh cho dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại cuộc họp về phòng, chống xâm nhập mặn với các tỉnh, thành ĐBSCL, tại Cần Thơ, ngày 7-3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về phòng chống xâm nhập mặn với các tỉnh, thành ĐBSCL ngày 7-3
Hạn hán nghiêm trọng hơn dự báo
Chỉ trong 20 ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đã đi thị sát kiểm tra tình hình và chủ trì các cuộc họp gồm nhiều bộ, ngành chức năng cùng lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, đưa ra những giải pháp cấp bách để hỗ trợ nông dân vượt qua tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng. “Hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay không phải là câu chuyện nhất thời. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động lớn hơn. Sự đe dọa với ĐBSCL là trầm trọng và nghiêm trọng hơn dự báo. Những gì chúng ta thấy hôm nay sẽ lặp lại mức độ khốc liệt hơn. Ứng phó với nó phải tính đến câu chuyện dài hạn, để đảm bảo đời sống người dân và kinh tế ĐBSCL. Trước hết là điều chỉnh cơ cấu sản xuất” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết. Đúng như những gì Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định. Vì ngay khi con số thiệt hại vừa đưa ra là diện tích lúa thiệt hại gần 139.000ha (trong đó, Kiên Giang hơn 34.093ha), lập tức con số được điều chỉnh tăng lên khoảng 160.000ha tại hội nghị (Kiên Giang đến 55.000ha bị thiệt hại). Con số thiệt hại sẽ gia tăng theo mức độ khốc liệt của hạn và xâm nhập mặn trong những ngày tới.
Theo Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở các khu vực cửa sông, ven biển. Hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Lúa thất đỡ lo hơn thiếu rơm cho bò ăn! Hiện ở Bến Tre, người nuôi bò cũng khó khăn do bò thiếu nước uống. Nhiều gia đình phải bán bò với giá thấp hơn bình thường khoảng 10 triệu đồng/con” - đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đưa dẫn chứng để thấy xâm nhập mặn đang tác động khốc liệt đến sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, mùa khô năm nay mặn xâm nhập sớm, sâu và khả năng kéo dài. Các địa phương cần phải tích trữ nguồn nước ngọt tối đa bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nước ngọt trên sông. Hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mekong về đồng bằng đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Ngoài làm việc với Ủy ban sông Mekong, để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho ĐBSCL trong thời kỳ khô hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện công hàm yêu cầu Trung Quốc xả nước lũ sớm.
Nông dân bán đảo Cà Mau tận dụng nước ngọt bơm cứu lúa đang chịu khô hạn Ảnh: Cao Phong
Xắn tay cùng giảm thiệt hại
Các địa phương hiện đang khẩn trương cùng lúc thực hiện hai giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và hoàn thiện các công trình thủy lợi xung yếu. Tại Bến Tre, tỉnh đã huy động đến cả xe bồn (chữa cháy của công an) để chở nước đến cung cấp cho các bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất... và khẩn trương hoàn thành thêm 1 nhà máy nước để cung cấp cho các vùng thiếu nước. Đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, khuyến nghị người dân nên hiểu và chia sẻ trong bối cảnh thiếu nước ngọt, cần phải tích nước cho mỗi nhà. Người dân đã linh hoạt dùng vải nhựa trải xuống các ao, mương trữ nước. Bến Tre đang tìm cách hỗ trợ người dân các vùng ven biển mua lu, bể nhựa giữ nước trong nhà để giảm khó khăn về nước sinh hoạt.
Sóc Trăng là một trong những điển hình đã giảm thiểu tối đa mức thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn gây ra. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã lượng định được mức độ khốc kiệt của hạn - mặn xảy ra nên cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Trong đó, 1 thị xã đã không sản xuất lúa, 2 huyện bỏ 1 mùa lúa nên thiệt hại rất thấp (chỉ khoảng 12.000ha bị ảnh hưởng). Trong đó, địa phương đã chủ động mua sắm thêm các thiết bị quan trắc để kiểm tra độ mặn... Mỗi cửa cống ngăn mặn, dẫn ngọt có người quản lý chịu trách nhiệm cụ thể.
Hiện nay, tình hình hạn - mặn gần như đã được khoanh vùng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mỗi tỉnh chỉ đạo khác nhau. Đầu tư xây dựng cơ bản còn manh mún: tỉnh nào cũng tranh thủ, nhưng các công trình mang tính liên vùng chưa chặt. Điển hình là một số vùng Bạc Liêu cần nước mặn nuôi tôm, Sóc Trăng cần nước ngọt trồng lúa...!? “Trong bối cảnh hiện nay cần rà soát hoàn thiện khoanh vùng hạn - mặn cụ thể để gắn với những khuyến cáo nuôi - trồng thích ứng với vùng sinh thái. Tất nhiên, đây là câu chuyện dài vì còn liên quan đến đầu ra của nông sản” - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể kiến nghị.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ ngành, lãnh đạo địa phương và người dân ĐBSCL đã linh động đương đầu với khô hạn, xâm nhập mặn. Với tinh thần đó phải tiếp tục ổn định phát triển để giảm thiệt hại, khó khăn xuống mức thấp nhất cho người dân trong thiên tai. Sớm khắc phục vượt qua thiên tai lịch sử. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chống hạn - mặn, làm tốt hơn nữa từ đây tới tháng 6-2016. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Trước mắt, phải tìm mọi cách ổn định cuộc sống người dân, hỗ trợ dân khôi phục tiếp tục sản xuất. Các bộ ngành tùy theo chức năng phải cập nhật liên tục tình hình biến đổi khí hậu, có dự báo kịch bản chính xác. Từ đó, rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế tổng thể ĐBSCL. Từng tỉnh, bộ ngành phải cập nhật quy hoạch gắn với từng lĩnh vực. Trong đó, cần hoàn thiện quy hoạch để đầu tư cho cơ hạ tầng - nhất là thủy lợi cho ĐBSCL, gắn với từng ngành sản xuất của nông dân: vùng trồng lúa, nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái... thích ứng với biến đổi khí hậu. Nổi bật là ngăn mặn, giữ ngọt, chống sạt lở. Trên cơ sở đó để đầu tư cho các dự án ưu tiên. Thực hiện phải đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương phối hợp với bộ ngành chức năng để rà soát quy hoạch cấp nước ngọt cho dân. Từng tỉnh phải tính lại việc xây dựng nhà máy nước sạch cung cấp cho dân; đồng thời nghiên cứu làm các hồ chứa nước ngọt...”
Cống Láng Thé (Trà Vinh) phát huy tác dụng ngăn mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Nông dân bị thiệt hại được khoanh nợ, cho vay tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: "160.000ha lúa đã thiệt hại (nếu lấy bình quân một hộ có 5 công đất lúa) sẽ có 320.000 hộ trồng lúa bị mất trắng. Mỗi gia đình bình quân có 5 người, thì trận hạn hán, xâm nhập mặn năm nay đã đặt khoảng 1,5 triệu người dân ĐBSCL (gần 10% dân số ĐBSCL - PV) rơi vào cảnh khó khăn. Nói thế để thấy tính nghiêm trọng của hạn - mặn hiện nay và nhận ra trách nhiệm của chính quyền. Bằng mọi cách phải nỗ lực cao nhất để giảm thấp nhất thiệt hại, khó khăn của người dân, khôi phục sản xuất“. Chỉ tính riêng trên cây lúa, hạn - mặn đã gây thiệt hại ước tính 5.000 tỷ đồng. Các địa phương ĐBSCL cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tương đương con số đó để khắc phục hậu quả và thực hiện các công trình thủy lợi xung yếu để chống hạn - mặn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trước mắt chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh, thành ĐBSCL. |
CAO PHONG
Quan tâm đầu tư khoa học công nghệ cho ĐBSCL nhiều hơn
Ngày 7-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị giám sát việc thực hiện các chính sách về phát triển KH-CN giai đoạn 2005 - 2015 tại khu vực ĐBSCL. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết đầu tư phát triển KH-CN của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực. Theo luật, đầu tư cho KH-CN chiếm 2% tổng chi ngân sách, tuy nhiên chỉ có 3/4 trong 2% này được chi cho KH-CN. Giai đoạn 2005 - 2015, nhà nước đã đầu tư tổng số ngân sách chi cho KH-CN của vùng ĐBSCL hơn 3.844 tỷ đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp khoa học hơn 2.017 tỷ đồng còn lại là kinh phí đầu tư phát triển KH-CN. Còn nguồn lực đầu tư từ nguồn xã hội hóa rất thấp, theo ông Tạc vì chưa có chính sách bắt buộc doanh nghiệp trích lợi nhuận trước thuế để đầu tư mà Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ khuyến khích doanh nghiệp được trích đến 10% lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ đầu tư KH-CN. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hội nghị rất có ý nghĩa với ĐBSCL vì KH-CN là một trong các giải pháp khắc phục những khó khăn mà ĐBSCL đối mặt. ĐBSCL phải cùng cả nước phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà KH-CN đóng vai trò quyết định. Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm hơn cho nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng KH-CN để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.
THƯ QUỲNH
>> ĐBSCL sống chung với hạn, mặn