(SGGP). - Bộ NN-PTNT vừa có công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh nhiệt thán trên gia súc để ngăn ngừa lây bệnh cho người.
Bộ NN-PTNT cho biết, trong tháng 9-2014, tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã xuất hiện gia súc mắc bệnh nhiệt thán và lây sang người do việc giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh, chết. Qua theo dõi đặc điểm dịch tễ của bệnh, các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc liên tục xuất hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh nhiệt thán trong những năm gần đây và thường xuyên có người bị mắc bệnh này do ăn thịt gia súc mắc bệnh, chết. Do vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh nhiệt thán trên gia súc là rất cao, đặc biệt ở địa phương đã có ổ dịch nhiệt thán trong thời gian qua.
Để chủ động ngăn chặn triệt để dịch bệnh nhiệt thán lây bệnh cho gia súc và người, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng, liên tục bằng nhiều hình thức phù hợp về tính chất nguy hiểm của bệnh nhiệt thán, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng bệnh cho người và gia súc.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu không tự ý giết mổ gia súc mắc bệnh, chết để ăn hoặc chia cho mọi người trong thôn, bản cùng ăn; chủ động thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi để tiêu hủy.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát công tác tiêm phòng vaccine nhiệt thán cho đàn gia súc trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo tiêm phòng bổ sung, tiêm phòng triệt để cho đàn gia súc (bao gồm cả dê) trong vùng có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao theo quy định.
Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, chết nghi do mắc bệnh nhiệt thán phải tổ chức vệ sinh, khử trùng, thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi, xác gia súc để đốt, chôn và đổ bê tông hố chôn theo đúng quy định. Đồng thời, nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ gia súc và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn xã có dịch và các xã xung quanh trong thời gian có dịch.
Bệnh nhiệt thán ở động vật là bệnh làm trâu, bò, ngựa chết đột ngột do sốt cao, do trực khuẩn nhiệt thán hay còn gọi là trực khuẩn than gây ra. Trực khuẩn có nha bào tức là 1 ken bọc rất bền vững, có thể sống lâu vài chục năm ở ngoài môi trường. Khi gia súc có bệnh thán chết được chôn nông hoặc vứt bừa bãi thì vài chục năm sau trâu bò đến ăn cỏ ở nơi đó vẫn còn bị bệnh.
Ở Việt Nam, một số tỉnh miền núi hay có bệnh này. Người tham gia mổ thịt gia súc ốm, chia thịt, ăn thịt rất dễ bị lây bệnh. Phổ biến là thể lở loét ngoài da. Nếu nhiễm vi khuẩn vào đường hô hấp thì thấy chóng mặt, đau ngực, khó thở, ho khan.
VĂN PHÚC