Khán giả và tin nhắn

Vòng loại trực tiếp Gala 2 chương trình Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol 2013 đã khép lại nhưng những gì xảy ra trong đêm diễn trên có lẽ sẽ còn được nhắc nhiều, nhất là phản ứng của các giám khảo về tin nhắn bình chọn.

Vòng loại trực tiếp Gala 2 chương trình Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol 2013 đã khép lại nhưng những gì xảy ra trong đêm diễn trên có lẽ sẽ còn được nhắc nhiều, nhất là phản ứng của các giám khảo về tin nhắn bình chọn.

Thời của những sân chơi truyền hình nở rộ, để tạo ra sự tương tác cao nhất có thể với khán giả, từ đó thu hút khán giả theo dõi chương trình, vui buồn, hưng phấn, khóc cười với chương trình như một thành tố cấu thành sự thành công của chương trình chứ không đơn thuần chỉ đứng “bên lề” nữa thì “quyền lực” tin nhắn (cũng là thể hiện quyền lực của khán giả) được tận dụng một cách tối đa. Và đây cũng không phải là sáng tạo của Việt Nam mà nó hoàn toàn ăn theo các format nổi tiếng của nước ngoài. Sẽ chẳng có gì nhiều để nói về vấn đề này nếu như yếu tố tin nhắn và yếu tố khán giả trong rất nhiều chương trình truyền hình ở nước ta dường như chẳng ăn nhập gì với nhau, từ đó nảy sinh không ít nghi vấn lẫn hệ lụy.

Cụ thể, như trong đêm thi trên, mặc dù có phần thể hiện khá thành công và để lại nhiều ấn tượng nhưng thí sinh Phú Hiển lại có lượng tin nhắn thấp nhất. Kết quả này khiến các giám khảo phản ứng quyết liệt và họ dùng quyền cứu thí sinh duy nhất để giữ thí sinh này mà nói như nhạc sĩ Huy Tuấn là “sự sửa sai” vì kết quả thực tế quá đi ngược với chất lượng phần thi. Trong khi đó, ca sĩ Mỹ Tâm bên cạnh kêu gọi khán giả tỉnh táo hơn trong việc bình chọn cũng thẳng thắn đề nghị phải kiểm tra lại hệ thống bình chọn.

Trên thực tế, yếu tố tin nhắn ngày càng trở thành vấn nạn nan giải trong rất nhiều sân chơi truyền hình. Mới nhất là chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giành chiến thắng tại sân chơi Bài hát yêu thích năm 2013 với bài hát Chiếc vòng cầu hôn. Một cách sòng phẳng, với lượng hâm mộ hùng hậu, việc Đàm Vĩnh Hưng giành chiến thắng không làm người ta ngạc nhiên cũng như sẽ khó có thể nghi ngờ gì về tính trung thực của lượng tin nhắn bình chọn.

Nhưng quả thật, nếu để gọi đó là một kết quả xứng đáng và thuyết phục thì hoàn toàn không. Không ai nói Chiếc vòng cầu hôn không hay nhưng khi vinh danh đó là ca khúc tiêu biểu, được yêu thích nhất trong năm - của một thời điểm mà đối tượng khán giả đã khác, xu hướng thưởng thức âm nhạc đã khác - thì quả là cú tát vào thị trường và cả lòng tự trọng của công chúng lẫn những người làm nghệ thuật nghiêm túc. Đã có ý kiến cho rằng có nên để một chương trình như Bài hát yêu thích tồn tại hay không bởi với sức ảnh hưởng của một chương trình quy mô toàn quốc, phát trên sóng đài truyền hình quốc gia, đáng ra chương trình phải góp phần tôn vinh những giá trị thật, giúp thị trường phát triển. Trong khi đó, với tiêu chí cũng như những gì đang diễn ra với Chiếc vòng cầu hôn (chỉ cốt tạo ra những cuộc đua tin nhắn từ lượng người hâm mộ của các ca sĩ), Bài hát yêu thích rõ ràng chẳng những không giúp định hướng cho thị trường mà còn làm méo mó thêm thị trường ca nhạc vốn dĩ vàng thau lẫn lộn như hiện tại.

Thị trường giải trí nói chung và các chương trình truyền hình nói riêng luôn cần khán giả. Tạo ra sự tương tác với khán giả, giúp khán giả thêm hứng thú khi theo dõi chương trình là điều tốt nhưng đó phải là “khán giả thật” chứ không phải là những nhóm khán giả rất uy quyền (vì chi phối rất nhiều đến kết quả chương trình) nhưng không hề đại diện cho số đông, thậm chí hoàn toàn ảo.

Cũng đã đến lúc những người tổ chức chương trình xem lại thể lệ, tiêu chí chương trình để không quá lệ thuộc vào tin nhắn của khán giả, vốn rất dễ cảm tính và chạy theo đám đông. Nếu cần thiết có thể mời những đơn vị kiểm toán độc lập chịu trách nhiệm về độ trung thực của số lượng tin nhắn gửi về. Ngoài ra, ban giám khảo chuyên môn cũng cần phát huy tối đa vai trò của mình để chọn ra những “món ăn” chất lượng trước khi bày lên bàn cho khán giả thưởng thức và lựa chọn.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục