Khẩn trương ứng phó với hạn mặn

Những ngày cuối tháng 3-2017, nước mặn đã tràn về các vùng nội đồng ven biển. Theo các nhà khoa học dự báo, dù hạn, mặn năm 2017 không khốc liệt như năm 2016, nhưng cũng thuộc năm hạn, mặn nặng vì lượng mưa và lũ năm 2016 nhỏ. Do đó, người dân và chính quyền các địa phương cần sớm ứng phó.

Chủ động sớm, tránh thiệt hại

Ba Tri là huyện chịu ảnh hưởng hạn, mặn dữ dội nhất ở tỉnh Bến Tre thời gian qua. Những ngày này, ngành nông nghiệp, chính quyền các xã và người dân tích cực triển khai biện pháp phòng chống hạn, mặn. Ông Trần Văn Vấn, ngụ xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri cho biết: “Cánh đồng lúa này hồi năm ngoái đang bắt đầu chín, chưa kịp thu hoạch thì nước mặn ập đến làm hư lúa tràn lan, gây thiệt hại lớn. Rút kinh nghiệm, năm nay ai cũng chủ động sớm đắp đê, làm bờ bao, cống đập để ngăn mặn, không để xảy ra trường hợp tương tự”. Theo UBND huyện Ba Tri, mùa khô năm ngoái nước mặn làm 11.000ha lúa đông xuân của huyện bị chết trắng, thiệt hại hơn 320 tỷ đồng. Nước mặn còn ảnh hưởng sang cả vụ hè thu và gây thiếu nước uống cho hàng chục ngàn gia súc, gia cầm.

Nông dân huyện Giồng Trôm (Bến Tre) bỏ lúa, lên bờ trồng rau màu. Ảnh: HUỲNH LỢI

Trước tình hình hạn, mặn nguy hiểm khó lường, mùa khô năm 2017, huyện chủ động hàng loạt biện pháp ứng phó ngay từ đầu: xây hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp (xã Tân Xuân và Phú Ngãi) kinh phí 70 tỷ đồng; hoàn thành đập ngăn mặn trên kênh trục 418; sửa chữa 6 cống ngăn mặn ở xã An Ngãi Trung và An Ngãi Tây... Ông Trần Xuân Thiệt, Phó phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) bộc bạch: “Chợ Lách là xứ trồng hoa kiểng và cây ăn trái nổi tiếng, trong khi 2 loại này đều không chịu được độ mặn cao. Do đó, huyện tập trung quyết liệt cho việc phòng chống mặn bảo vệ sản xuất. Những ngày qua, huyện đã củng cố hệ thống đê bao kinh phí gần 20 tỷ đồng, xây dựng gần 1.500 cống ngăn mặn kinh phí 800 triệu đồng, đắp xong đập ngăn mặn Bến Bè hơn 100 triệu đồng; đưa về mỗi UBND xã 3 máy đo độ mặn để cung cấp kịp thời cho người dân về diễn biến mặn... Mọi việc rất chủ động”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, do năm 2016 lũ nhỏ nên có thể gây thiếu nước và đề phòng mặn lấn sâu vào đất liền thời điểm cuối vụ lúa mùa và lúa đông xuân 2017. Đối với các vùng ven biển An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương... dự báo bị ảnh hưởng hạn, mặn. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ứng phó. Tỉnh bố trí lại thời vụ xuống giống từng tiểu vùng để né hạn, mặn. Đối với những vùng không chủ động nguồn nước thì phải chờ mưa xuống mới gieo sạ để tránh thiệt hại như năm rồi.

Tại Hậu Giang, nơi bị mặn đe dọa từ hai hướng biển Đông và biển Tây, những ngày này, trên sông Cái Lớn, nơi tiếp giáp giữa Kiên Giang và Hậu Giang, lục bình kết bè nghẹt cứng cặp hai bên bờ sông. Đây là dấu hiệu rõ nét khi dòng chảy nước ngọt kiệt, nước mặn từ triều cường biển xâm nhập sâu làm lục bình ứ đọng. Theo ghi nhận của Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, độ mặn trên một số tuyến kênh đấu nối với sông Cái Lớn đang lên chậm. Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh: ”Dù độ mặn hiện tại còn thấp, nhưng chúng tôi yêu cầu ngành nông nghiệp phải theo dõi sát diễn biến. Phải dự báo được tình hình sắp tới để đóng các cống ngăn mặn kịp thời. Có thể nói, đây là thời điểm hạn, mặn rình rập, tôi mong cán bộ trong tỉnh sẽ dự phòng hết các tình huống để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại của nông dân”.

Thích ứng với hạn, mặn

Các nhà khoa học nhận định, lũ nhỏ sẽ kéo theo hạn mặn lớn như một quy luật tự nhiên, điều này đã diễn ra trong nhiều năm qua. Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Thời gian qua, nhiều nước xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mê Kông đã tác động tiêu cực đến nguồn nước ngọt cung cấp cho hạ lưu và khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều. Trong đó, nước mặn càng lúc càng lấn sâu vào nội đồng, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đời sống người dân như năm 2016 là một minh chứng. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thích ứng với hạn mặn, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân trong vùng đang là vấn đề cấp bách”. Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tâm sự: “Thời gian qua, tỉnh đầu tư khá nhiều công trình thủy lợi, hệ thống cống đập ngăn mặn... nhưng chưa thể hoàn thiện. Hiện tại, còn khoảng 18 cống ngăn mặn ở vùng U Minh Thượng, Vĩnh Thuận... với kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng; nhưng thiếu vốn nên chưa làm được. Đây cũng là cái khó của tỉnh trong việc chống mặn. Tuy nhiên, để thích ứng với hạn, mặn, Kiên Giang chủ động chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện từng nơi.

Cụ thể, vùng ven biển đang giảm việc trồng lúa, chuyển sang nuôi tôm, các loại thủy sản khác; vùng U Minh Thượng chuyển sang 1 tôm - 1 lúa ăn chắc... Về lâu dài, Kiên Giang kiến nghị Trung ương sớm triển khai công trình cống Cái Lớn, Cái Bé nhằm kiểm soát mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản và sinh hoạt người dân”. Theo Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri (Bến Tre), đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào bị thiệt hại do mặn, bởi huyện chủ động không sản xuất 11.000ha lúa đông xuân 2017. Khoảng 30% diện tích trên, bà con chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò, một số trồng rau màu, nuôi thủy sản... Số còn lại thì cải tạo đất, cho đất nghỉ để phục hồi, cắt mầm bệnh, tích trữ dinh dưỡng cho đất...

Ông Tom Kompier, Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, chia sẻ: “ĐBSCL cần có chính sách khai thác hợp lý các vùng lũ đầu nguồn, vùng trung tâm nước ngọt, vùng duyên hải... Thực tế cho thấy, làm lúa 3 vụ/năm đồng nghĩa với việc một diện tích rất lớn đất trồng lúa đã khước từ vai trò tích nước để điều hòa trong mùa hạn, mặn. ĐBSCL cần một chiến lược chặt chẽ đem lại an toàn cho vùng đông dân cư. Cần nhiều bước đi đồng bộ phát triển vùng đầu nguồn hạn chế sử dụng nước ngọt...”.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, hiện nay chống hạn, mặn rất tốn kém. Cần tương kế để phát triển sản xuất hợp lý thủy sản ở vùng nước lợ. Trong đó, cần đầu tư căn cơ hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản thay vì lấy các công trình từ trồng lúa lâu nay chuyển sang sẽ không đáp ứng tốt về nguồn nước và dễ xảy ra dịch bệnh cho tôm nuôi.

CAO PHONG - HUỲNH LỢI

Tin cùng chuyên mục