Thu nhập bình quân 49,18 triệu đồng/người/năm
Được thụ hưởng kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của TPHCM là điều kiện thuận lợi để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của TP. Cụ thể, vận động 27.565 hộ nông dân chuyển đổi trên 17.300ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi theo định hướng nông nghiệp đô thị, như trồng lan, cây kiểng, rau an toàn, cá cảnh, bò sữa, cá dứa, tôm nước lợ, nhà yến... Góp phần tham gia phát triển nông nghiệp TP thành nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, hội đã tham mưu, đề xuất TP phê duyệt đề án đưa nông dân tham quan học tập trong và ngoài nước giai đoạn 2013-2018. Đã tổ chức 10 chuyến học tập kinh nghiệm 22 tỉnh trong nước cho 396 lượt cán bộ, nông dân, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại; tổ chức 6 chuyến đưa 127 lượt cán bộ và các thành phần đi Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Khi trở về, bà con mạnh dạn ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, kinh doanh.
Hội Nông dân TPHCM phát huy vai trò chủ động trong việc dạy nghề, kịp thời đề xuất và được UBND TPHCM chấp thuận, giao cho hội tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, được thực hiện tại cấp xã/phường theo mô hình “lấy nông dân dạy nghề cho nông dân”. Phối hợp Sở KH-CN tổ chức hội thi “Kiến thức và sáng tạo nhà nông” định kỳ 2 năm/lần để phát hiện và nhân rộng các mô hình sáng tạo hiệu quả trong sản xuất. Có 13 mô hình, giải pháp được trao giải thưởng và đưa vào phổ biến ứng dụng; nhiều đề tài khác cũng được Sở KH-CN phối hợp nghiệm thu và triển khai đưa vào ứng dụng, đạt kết quả cao. Hội còn thành lập Hội đồng sáng kiến, hàng năm xét duyệt nhiều sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả. Những điều này tạo sự chuyển biến tích cực trong thu nhập và nâng cao đời sống. Đến cuối năm 2017, thu nhập bình quân nông dân khu vực nông thôn là 49,18 triệu đồng/người/năm, so với năm 2015 là 39,72 triệu đồng.
Hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất
Để phù hợp với quá trình đô thị hóa và phát triển nông nghiệp đô thị, hội chủ động thay đổi cơ cấu theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức được đẩy mạnh, xây dựng và hướng dẫn hoạt động của chi hội, tổ hội ngành nghề. Tạo chuyển biến tích cực trong đời sống hội viên nông dân, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức hội triển khai tốt chủ trương, chính sách trong nông nghiệp, xây dựng NTM. Việc phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên được chú trọng, có sự đầu tư, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội, tổ hội theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Đã kết nạp 12.958 hội viên, nâng tổng số hội viên TP là 70.466 người, 89,25% hộ nông nghiệp có hội viên nông dân (đạt 89% chỉ tiêu).
Theo Hội Nông dân TPHCM, để phù hợp với thực tiễn, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân cũng được đổi mới; chú trọng vận động tăng trưởng nguồn vốn, nâng tổng nguồn vốn của quỹ đến cuối năm 2017 là 184,8 tỷ đồng; đã phát vay 395,69 tỷ đồng cho 19.600 lượt hội viên. Ngoài ra, từ các nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo (không lãi suất), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội TPHCM đã hỗ trợ vốn vay 176.587 lượt hộ. Hội viên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từ đó thu hút nông dân tham gia tổ chức hội và chung sức xây dựng NTM, giúp đỡ nông dân nghèo vượt khó, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, Hội Nông dân TPHCM đã kịp thời tham mưu, phối hợp giải quyết các kiến nghị của cơ sở và nông dân; nâng cao vai trò của tổ chức hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.
Liên kết và chia sẻ kinh nghiệm
Các cấp hội trên địa bàn TPHCM đã tích cực vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; gắn với các sở, ngành, địa phương phát triển các hình thức kinh tế tập thể, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập nhiều chục tỷ đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Theo Hội Nông dân TPHCM, trong 5 năm có 129.709 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội kiện toàn và phát triển được 92 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với 1.434 thành viên. Thông qua đó liên kết các hộ sản xuất cùng chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm, hình thành tổ, nhóm liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm, làm nòng cốt trong thực hiện 4 phong trào nông dân mà trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân”. Tổng cộng đã có 66.408 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thoát nghèo với nhiều hình thức khác nhau, tổng giá trị hỗ trợ cả trăm tỷ đồng; trong đó hội trực tiếp tư vấn, hỗ trợ cho 10.305 hộ thoát nghèo bền vững, góp phần cùng TP hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM.
Các chỉ tiêu chủ yếu - Nâng thu nhập bình quân nông dân đến năm 2023 là 65 triệu đồng/người/năm; hàng năm có 450 hộ hội viên nông dân được hội tư vấn, hỗ trợ thoát nghèo. - Đến năm 2023, vận động 70% hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ. - 100% hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh thực phẩm cam kết tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. - 100% hội viên tham gia bảo hiểm y tế và 100% hội nông dân các cấp tổ chức được các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề. - Tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân bình quân 2 tỷ đồng/năm, 100% hội viên nông dân được hỗ trợ vốn. - 100% chi hội xây dựng quỹ hoạt động, mỗi cơ sở hội có quỹ hoạt động ít nhất 30 triệu đồng trở lên. |