Khánh thành dự án phục hồi Dực Lang - Đại Nội Huế

Sáng 27-4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế  tổ chức khánh thành Bảo tồn, tu bổ phục hồi Dực Lang - Đại Nội Huế.
Khánh thành dự án phục hồi Dực Lang - Đại Nội Huế

(SGGPO).- Sáng 27-4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế  tổ chức khánh thành Bảo tồn, tu bổ phục hồi Dực Lang - Đại Nội Huế. Qua đó góp phần hoàn thiện khép kín các cung điện trong Tử Cấm Thành, từng bước phục hồi diện mạo các công trình nằm trong khu vực Đại nội Huế.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, trong quần thể kiến trúc ở Tử Cấm Thành - Đại nội Huế, hệ thống hành lang có một vai trò quan trọng, không những là lối đi lại mà còn là mạch liên kết các công trình kiến trúc trong khu vực để tạo nên một quần thể kiến trúc đa dạng có bố cục chặt chẽ đăng đối hình thành nên các khu chức năng riêng biệt.

Hành lang là một loại hình kiến trúc phụ trợ có cấu trúc đơn giản theo phong cách kiến trúc truyền thống Huế thế kỷ 18-19. Loại hình kiến trúc lang được áp dụng rất phổ biến trong hệ thống kiến trúc cung đình, đặc biệt là tại Hoàng Cung, các vườn ngự, các biệt cung… tạo nên một nét đặc trưng riêng của kiến trúc cung đình triều Nguyễn (1802-1945).

Toàn bộ quần thể kiến trúc đồ sộ này được kết nối với nhau bằng một hệ thống hành lang gồm 3 dạng: Trường Lang, Hồi Lang và Dực Lang. Với hơn 23 đoạn hành lang (chưa kể Vạn Tự hồi lang ở vườn Thiệu Phương) có chiều dài trên 903 mét, trong hơn 10 năm qua Trung  tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiến hành tu bổ, phục hồi được 14 đoạn hành lang với chiều dài là 760 mét.

Cũng theo ông Phan Thanh Hải, từ khi xây dựng đến nay, Dực Lang cũng như các công trình kiến trúc khác trong Tử Cấm thành đã tồn tại gần 200 năm, trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và xã hội có nhiều biến động.

Chiến tranh, thời gian và sự giảm sút các điều kiện kinh tế và xã hội, khiến cho di tích bị phá hủy một cách trầm trọng. Những lần sửa chữa lớn, nhỏ trong những năm 1950, 1967, 1972 và 1973 ít nhiều đã làm thay đổi, sai lệch một phần các yếu tố, thành phần nguyên gốc của các công trình. Cho đến nay, di tích này chỉ còn lại dấu tích của nền móng công trình.

Cũng trong sáng cùng ngày, tại Dực Lang - Đại nội Huế đã khai mạc triển lãm hình ảnh tư liệu “Triều Nguyễn và Huế xưa”.

Một góc triển lãm hình ảnh tư liệu ''Triều Nguyễn và Huế xưa''

Tại triển lãm này có 164 hình ảnh tư liệu được giới thiệu trên 82 khung chạm trổ. 18 bài thơ của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Thành Thái được thể hiện qua các thể: chân, thảo, lệ, triện do nhà thư pháp Hải Trung thực hiện trên nền sơn mài.

Ngoài ra, còn có 16 bức tranh là phiên bản của các bản vẽ về lục bộ, điện Cần Chánh, Cơ Mật Viện, Hổ Quyền, Tượng binh thời Nguyễn; các bức phiên bản tranh tường cung An Định được thực hiện trên kính, khung chạm trổ. 

Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế hy vọng triển lãm sẽ mang đến cho du khách thập phương những khoảnh khắc thú vị về Tử Cấm Thành, Hoàng cung Huế.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục