(SGGP).- Ngày 3-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cắt băng khánh thành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC).
Việc thiết lập và đưa vào hoạt động Văn phòng EOC của Bộ Y tế là một trong những hành động cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết chương trình An ninh y tế toàn cầu (GHS), đồng thời cũng thể hiện sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác trong công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ Y tế đã chủ động triển khai việc áp dụng Văn phòng EOC trong công tác phòng chống dịch Ebola, cúm gia cầm cũng như các dịch bệnh khác và đã phát huy được vai trò của Văn phòng EOC trong việc gắn kết giữa các đơn vị trong Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT cũng như các tổ chức quốc tế như: USCDC, WHO, FAO và các đơn vị liên quan khác trong công tác đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, Văn phòng EOC Việt Nam đóng vai trò trong việc theo dõi giám sát hàng ngày các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, cũng như trong việc quản lý những tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng Tổ chức Y tế thế giới đã tổ chức hội nghị quốc gia “Một sức khỏe” lần thứ 3 với chủ đề “Nguy cơ bệnh truyền nhiễm phát sinh trong mối tương tác con người - động vật - hệ sinh” nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, với kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch SARS và cúm gia cầm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng cách tiếp cận đa ngành vào năm 2003, sau này trở thành phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe” được thông qua tại hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng năm 2010 về cúm động vật và đại dịch.
QUỐC KHÁNH