Ngày 26-9, tại Hà Nội, giới khảo cổ học Việt Nam và cả các đồng nghiệp quốc tế rất vui khi Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho phép thành lập Phòng Khảo cổ học dưới nước. Sau nhiều trăn trở, khoác trên mình gánh nặng “3 không” là không người, không tiền, không cơ sở vật chất kỹ thuật, ngành khảo cổ đã có cơ hội khai mở kho di sản phong phú dưới lòng nước.
Kho tàng vô giá
Là đất nước có bờ biển dài, với trữ lượng di sản dưới lòng nước rất lớn nhưng Việt Nam lại chưa có ngành khảo cổ học dưới nước. Trong khi cả thế giới và khu vực đang hướng ra biển thì ở ta, việc khai quật, khảo cổ học dưới nước mới dừng ở việc giải quyết theo từng vụ việc nhỏ lẻ. Từ trước đến nay, những phát hiện khảo cổ học dưới nước ở ta đều là ngẫu nhiên từ những phát hiện của ngư dân. Vì phát hiện rồi nên bắt buộc phải xử lý theo kiểu tình thế.
PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam, từng tâm sự, trong số 5 tàu cổ đã được khai quật, chỉ có quá trình nghiên cứu, trục vớt tàu cổ Cà Mau là do các chuyên gia trong nước đảm nhận mọi khâu, còn các cuộc khai quật khác đều phải kết hợp với các nhà khảo cổ học và công ty nước ngoài. Hay như việc con tàu cổ được phát hiện ở Khoái Châu - Hưng Yên sau nhiều tháng phơi mình trên cạn, con tàu cũng được di chuyển về cơ quan quản lý nhưng đã không còn nguyên vẹn. Chỉ đến lúc việc phát hiện ra con tàu cổ dưới nước tại Bình Châu, Quảng Ngãi cùng tình trạng cổ vật bị thất thoát nghiêm trọng, một lần nữa tình trạng “trắng” nhân lực trong khảo cổ học dưới nước khiến giới khoa học giật mình.
TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một người tâm huyết với khảo cổ học dưới nước tâm sự, tiềm năng các di chỉ khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam rất lớn. Có thể thống kê ra nhiều dấu tích, qua nghiên cứu những tàng thư ở Hà Lan, Pháp… nhưng việc xác định cụ thể không phải dễ. Có một số tổ chức nước ngoài đến Việt Nam giúp xây dựng bản đồ khảo cổ học dưới nước, nhưng gặp nhiều khó khăn, bởi khu vực biển Việt Nam dài, một số phạm vi thuộc khu vực quân sự trong khi nếu tìm ra, việc trông giữ rất tốn kém.
Muộn còn hơn không
Thực tế, Viện Khảo cổ đã đề nghị thành lập Ngành Khảo cổ dưới nước cách đây ngót chục năm nhưng vì chưa có kinh phí nên tất cả vẫn nằm trên giấy. Vào những năm 2000, Viện Khảo cổ cũng đã cử một số cán bộ sang Australia và Thái Lan học về ngành khảo cổ dưới nước. Tuy nhiên, đơn thuần chỉ là học cho có chứ không phải là chiến lược của ngành. Cùng chung mong muốn được khám phá kho tàng dưới nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng tổ chức nhiều khóa đào tạo kết hợp với Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Hàn Quốc, song do thời gian cũng như kinh phí có hạn theo kiểu “cưỡi ngựa, xem hoa” vì thế những cán bộ sau khi được đào tạo ngắn ngày cũng chưa thể tự tin đảm đương được công việc khá mới mẻ này. Đã có lúc, nhu cầu về khảo cổ học dưới nước lớn tới mức Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam dự tính thành lập một trung tâm nghiên cứu văn hóa biển. Thế nhưng, khảo cổ dưới nước không đơn thuần là lặn xuống nước rồi vớt đồ lên mà còn cần phải có tiền và có cơ sở vật chất phục vụ việc nghiên cứu nên mọi việc vẫn chỉ là dự định.
Như TS Tống Trung Tín phát biểu tại hội nghị thông báo kết quả khảo cổ học năm 2013, việc ra đời của phòng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước là dấu mốc quan trọng đối với ngành khoa học này vì đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, đào tạo đội ngũ các nhà chuyên môn, làm sáng tỏ kho tàng vô giá của Việt Nam hiện đang ẩn sâu dưới lòng sông, biển. Ngay sau khi thành lập, phòng sẽ triển khai lực lượng tại 3 điểm là bến cảnh Vân Đồn, bãi cọc Bạch Đằng - Quảng Ninh và cảng Thị Nại (Bình Định). Việc “ra quân” này cũng chỉ là kết hợp cùng với các chuyên gia, nhà nghiên cứu khảo cổ học nước ngoài để vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm do chúng ta chưa có trang thiết bị, chưa có kỹ thuật, song việc thành lập được phòng chuyên môn riêng, tuy muộn nhưng là một sự khởi đầu tích cực.
| |
MAI AN