Khảo cổ học Việt Nam qua 50 năm phát triển

Khảo cổ học Việt Nam qua 50 năm phát triển

“Những hoạt động khảo cổ học (KCH) năm 2015 trên toàn quốc đã cung cấp những tư liệu rất mới, cùng với đó là các nghiên cứu về di tích, di vật phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, xây dựng hồ sơ di sản, công tác quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị di tích, di sản”, đó là ý kiến của PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tại Hội nghị thông báo “Những phát hiện mới về KCH lần thứ 50” vừa diễn ra từ ngày 17 đến 19-8 tại TP Huế.

Thám sát khảo cổ học tại đảo Trường Sa Lớn (Khánh Hòa)

Tiềm năng KCH dưới nước

Cùng với 4 chuyên ngành KCH truyền thống lịch sử, thời đại đồ đá, thời đại đồ kim khí và Chămpa - Óc Eo, tại hội nghị còn đánh dấu sự xuất hiện của tiểu ban KCH dưới nước. Đây là chuyên ngành có tiềm năng lớn tại Việt Nam, song còn hạn chế về kinh phí đầu tư và đội ngũ chuyên môn. PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết, ban tổ chức nhận được 356 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước thông báo về những hoạt động tiêu biểu của ngành KCH Việt Nam năm 2015. Riêng tiểu ban KCH dưới nước lần đầu tham dự với 8 thông báo về những phát hiện mới: Sưu tập gốm cổ ở Cù Lao Chàm, sưu tập hiện vật ở Thuận An, sưu tập mỏ neo tàu ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi…

Tại hội nghị, một số đại biểu thẳng thắn thừa nhận, từ trước đến nay tại Việt Nam chưa có bất kỳ đợt khai quật KCH dưới nước triển khai theo đúng nghĩa. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đề nghị, hội nghị cần tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề liên quan để KCH dưới nước phát triển. Riêng sông Hương - một bộ phận cấu thành văn hóa Huế, đã và đang chứng kiến những bước thăng trầm của cố đô Huế xưa và nay. Đây là khu vực tiềm năng để các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu khảo cổ dưới nước, tìm hiểu về quá khứ lịch sử. Ông dẫn chứng, từ thời tiền - sơ khi các bộ lạc sống trong khu vực miền núi xuống các vùng đồng bằng ven các dòng sông để tiện cho việc phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, thì ở đó tất nhiên hình thành các nền văn minh, văn hóa lớn. Trên thế giới đã có nhiều nền văn minh, như văn minh sông Nin ở Ai Cập, Lưỡng Hà; văn minh sông Hằng ở Ấn Độ... Ở miền Bắc Việt Nam có văn hóa Đông Sơn phân bố chủ yếu dọc theo các lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Ở miền Trung có văn hóa Sa Huỳnh phân bố ở lưu vực các con sông lớn, trong đó có sông Hương. Đặc biệt, những phát hiện về KCH tại di chỉ Cồn Ràng, Cồn Dài đã minh chứng, Huế là một trong những trung tâm lớn của văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, những người làm nghề khai thác cát trên sông Hương còn vớt được nhiều di vật khảo cổ có niên đại trải dài liên tục hàng vạn năm qua. Đáp lại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, địa phương luôn đồng hành và tạo điều kiện về mọi mặt để công tác nghiên cứu khoa học lịch sử và bảo tồn di sản phát triển bền vững.

Nhà nước tiền sử ở châu thổ sông Hồng

Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã tiếp cận một thông tin thú vị từ bài thông báo của GS Nam C. Kim, Khoa Nhân học Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ). Theo GS Nam C. Kim, bước đầu tổng kết những thành tựu trong nghiên cứu thành lũy Cổ Loa. Từ bằng chứng KCH đã qua đối chứng, so sánh cho thấy về một nhà nước thời tiền sử nơi đây đã phát triển mạnh mẽ, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đó, hơn cả các quốc gia nổi tiếng của Đông Nam Á thời đó như Angkor hay Chămpa…

Cùng với đó, theo ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, các hoạt động điều tra, khảo sát, khai quật KCH cũng như các công tác bảo tồn di tích, di vật… đã trở thành công việc thường niên của đơn vị. Kết quả khai quật trên diện tích hơn 2.500m2 tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long gần đây đã tìm được hệ thống các di tích kiến trúc từ thời Lý (thế kỷ 11-13) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19-20). Bước đầu làm rõ một không gian kiến trúc lớn thời Lý với dấu tích đường nước “khổng lồ”, có hệ thống móng trụ sỏi và sân nền lát gạch hình vuông… Thời Trần có nhiều kiến trúc quy mô, kích thước nhỏ được xây dựng qua nhiều giai đoạn. Đặc biệt, đã xác định được không gian trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ (thế kỷ 15-16) và Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18)…

Tuy nhiên, công việc khai quật cũng như bảo quản trước mắt và bảo tồn lâu dài di tích và di vật đang đặt ra không ít nhiệm vụ nặng nề cho các nhà quản lý và nhà nghiên cứu. Đặc biệt, với di sản vô giá như Hoàng thành Thăng Long với số lượng di vật khổng lồ hàng năm được lấy lên từ lòng đất trong các hố khai quật cần phải được xử lý, lập hồ sơ khoa học với đầy đủ các hạng mục, như phân loại chi tiết theo loại hình, chất liệu, công năng…; Việc bảo quản di vật phải thực hiện, sắp xếp vào những kho hiện vật theo chất liệu, loại hình, đáp ứng được yêu cầu bảo quản; Những hiện vật tiêu biểu nên tiếp tục tổ chức trưng bày nhằm quảng bá di tích và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan…

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận, đây là hội nghị toàn quốc về KCH đầu tiên được tổ chức ở một địa phương ngoài Hà Nội. Qua đó, liên kết giới nghiên cứu KCH trong cả nước, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm việc và kết quả nghiên cứu. Đồng thời, hội nghị là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của KCH Việt Nam trong suốt 50 năm qua.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục