Khát nhân lực cho ngành công nghệ vi mạch

Ngày 12-7, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm “Xây dựng chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành Thiết kế vi mạch tại Đại học Quốc gia TPHCM”. Chương trình tập trung đánh giá về xu hướng phát triển của ngành công nghiệp vi mạch toàn cầu cũng như các giải pháp về bài toán nhân lực của ngành này.

Tham dự chương trình có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng đại diện các đại học đến từ lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia buổi tọa đàm

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia buổi tọa đàm

Các quốc gia lo thiếu nhân lực

Theo các chuyên gia phân tích, sau đại dịch Covid-19, nền công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng để mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trên toàn cầu nhằm tránh phụ thuộc vào riêng một thị trường hay một khu vực. Các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam.

Từ năm 2021 đến nay, một số tập đoàn lớn như AT&S (Áo), Ampe Computing và Marvel Techonology (Mỹ), Faraday và Realtek (lãnh thổ Đài Loan – Trung Quốc)… liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch đã đến Việt Nam, đặc biệt là TPHCM để phát triển nhà máy và phát triển quy mô đội ngũ thiết kế, nhân lực. Vấn đề họ cần không chỉ là kỹ sư thiết kế phần cứng mà cả kỹ sư cao cấp.

Theo GS Lee Hyuk-Jae, Trưởng khoa Khoa Điện và Kỹ thuật Máy tính, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), từ năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Trong 10 năm tới cần 10.000 kỹ sư cao cấp nhưng năng lực đào tạo chỉ có thể cung ứng 5.000 kỹ sư. 10 năm tiếp theo cần 127.000 kỹ sư nhưng đào tạo chỉ cung ứng khoảng 50.000 kỹ sư. Một ví dụ khác cho thấy, Samsung hiện là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về công nghệ vi mạch nhưng hiện nay họ không thể cạnh tranh với các đối thủ khi họ chỉ có 10.000 kỹ sư trong khi các đối thủ khác có đến 30.000-40.000 kỹ sư. Chính vì vậy, nguồn nhân lực là bài toán vô cùng quan trọng và khó nhất hiện nay của Hàn Quốc.

Đại diện doanh nghiệp góp ý kiến cho đào tạo nhân lực công nghệ vi mạch

Đại diện doanh nghiệp góp ý kiến cho đào tạo nhân lực công nghệ vi mạch

Trong khi đó, với vị trí thứ 2 toàn cầu về công nghệ vi mạch, chíp bán dẫn, GS Hsi-Pin Ma, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thiết kế Vi mạch, Đại học Quốc lập Thanh Hoa (lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc) cho biết: Đài Loan hiện có hiệp hội phát triển vi mạch để hỗ trợ hợp tác phát triển công nghệ vi mạch. Việc hỗ trợ này gắn chặt với các trường đại học cũng như doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực. Sinh viên được học, thực hành thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất chíp và đó được xem là chuẩn đầu ra cho các kỹ sư công nghệ vi mạch. Cùng với đó, chính phủ hỗ trợ tài chính, cơ quan giáo dục huy động các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thiết kế xây dựng chương trình đào tạo chuẩn cho ngành công nghệ vi mạch. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ vi mạch, trường phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các trường đại học khác để đào tạo.

Tham gia thỉnh giảng các khóa cấp tốc, chuyên sâu về công nghệ vi mạch tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), GS Koichiro Ishibashi, Giám đốc Phòng thí nghiệm Ishibashi, Đại học Điện tử - Truyền thông, Nhật Bản cho rằng: Việt Nam chưa có chương trình đào tạo chính thức về công nghệ vi mạch. Hiện chỉ có một phần rất nhỏ trong chương trình đào tạo của các ngành điện, điện tử... Về phía doanh nghiệp cũng chưa có doanh nghiệp phát triển về công nghệ vi mạch đúng nghĩa. Do đó, muốn phát triển nguồn nhân lực công nghệ vi mạch cần phải có chiến lược cụ thể về nhân lực cũng như hỗ trợ tài chính, các cơ sở vật chất để thực hành.

Việt Nam phải có chiến lược cụ thể

Theo PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), trong 4 khâu của chuỗi cung ứng (thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói và kiểm tra vi mạch, chế tạo thiết bị), Việt Nam hiện nay chưa thể tham gia vào khâu chế tạo chíp và chế tạo thiết bị. Một vài công ty đóng gói và test chíp đã có ở Việt Nam nhưng tất cả đều là công ty nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cần cho khâu này không nhiều và không đòi hỏi chuyên môn cao. Như vậy, có thể thấy Việt Nam chỉ có thể tham gia vào khâu thiết kế chíp trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đây là khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao cho vi mạch.

Từ thực tế trên cho thấy, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để đón nhận làn sóng tái cấu trúc ngành công nghệ vi mạch của toàn cầu. Nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng đến Việt Nam và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn.

"Dù ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển qua 40 năm nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào công việc lắp ráp với các linh kiện và chíp được nhập khẩu từ nước ngoài nên giá trị gia tăng rất thấp. Thực tế cho thấy, nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào công nghiệp điện tử và công nghiệp vi mạch. Do đó, Việt Nam phải phát triển công nghiệp vi mạch bằng chính nội lực trong nước để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước. Và muốn phát triển công nghệ vi mạch bài toán đầu tiên phải là đào tạo nhân lực và có chiến lược cụ thể ở tầm quốc gia", PGS-TS Mai Thanh Phong nhấn mạnh.

TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày tham luận

TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày tham luận

Theo TS Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong các Nghị quyết của Đảng, các quyết định của Chính phủ đều xác định phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông là con đường chủ đạo, được ưu tiên đầu tư phát triển. Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch nhưng đến nay vẫn chưa có. Trong số hơn 300 trường đại học, cao đẳng hiện chỉ có một số ít trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo lại thiếu phòng thí nghiệm, thực hành thực tế, các trường không đủ năng lực đầu tư trang thiết bị, việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại càng hiếm (hiện chỉ có 2 doanh nghiệp là Viettel high tech và FPT Semicondcutor mới bắt đầu tham gia thiết kế, sản xuất một số chíp dùng cho điện tử viễn thông, y tế nhưng nhân lực ít và chưa chuẩn hóa).

Từ thực tế trên, TS Võ Xuân Hoài cho rằng, cần phải có chiến lược dài hạn kèm với chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ vi mạch. Từ nay đến 2030 cần ít nhất 55.000 nhân lực chất lượng cao cho công nghệ vi mạch. Trước tiên, nên tập trung vào nhóm các trường đại học tiên phong như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội để đào tạo nhân lực tiên tiến cho ngành công nghệ vi mạch.

Theo PGS-TS Trần Mạnh Hà, Phó trưởng Ban đào tạo, Phó giám đốc Phụ trách Khu Công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TPHCM), hiện nay ĐH Quốc gia TPHCM đang xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến ngành công nghệ vi mạch. Mục tiêu đề ra đến năm 2027 đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư công nghệ vi mạch. Cùng với đó, ĐH Quốc gia TPHCM cũng đề xuất các hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ cũng như địa phương và liên kết với các tổ chức quốc tế, thu hút và mời gọi các chuyên gia quốc tế về giảng dạy.

Tin cùng chuyên mục