Khát vọng hòa bình

Khát vọng hòa bình

Vừa qua, tại Trường Đại học Kent State, bang Ohio, Hoa Kỳ nơi 40 năm trước 4 sinh viên Mỹ bị bắn chết và 9 sinh viên khác bị thương vì phản đối chiến tranh Việt Nam đã có một cuộc triển lãm làm nhiều người xúc động. Khát vọng hòa bình của trẻ em Việt Nam và công dân Mỹ đã được nói lên một phần qua cuộc triển lãm này. Các bức vẽ của thiếu nhi Việt Nam đến từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh được đặt cạnh những bài thơ “họa” của công dân Mỹ.

Bức tranh màu nước Vũ khí không còn ác nữa của Phùng Ân Khải, 11 tuổi là một thông điệp hồn nhiên về hòa bình. Trên cỗ đại bác đen sì có một cô bé tóc đuôi gà đang ôm đeo nòng súng bên cạnh chú chim trắng muốt đang hót. Những em bé khác, đứa vui đùa, đứa thả diều dưới bầu trời xanh thắm lững thững mấy đám mây bay và vầng dương như đóa hoa tươi tắn vừa nở. Một nhóm học sinh lớp 7 Trường Marcia Skidmore, Ohio khi xem tranh của Khải đã viết bài thơ: Tại sao? Tại sao không biến quả ngư lôi thành chú cá heo biết yêu? Tại sao không làm mềm hàng rào thép gai để làm que đan áo? Em nhìn viên đạn bay xuyên qua không khí, và em nghĩ, sao không là chú chim duyên dáng?... Thay vì chiến tranh, tại sao không phải hòa bình?

Đầu năm 2010, phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức Trái tim người lính và Trung tâm thi ca Wick (Đại học Kent State) đã đưa 100 bức tranh của trẻ em Việt Nam lên trang web của mình và kêu gọi người dân Mỹ hưởng ứng phong trào sáng tác thơ cho những tác phẩm này. Thật bất ngờ, chỉ mới 6 tháng phát động đã có 1.200 bài thơ của học sinh, sinh viên, giáo viên, cựu chiến binh, nhà thơ có tên tuổi và những cây bút trẻ gửi đến Trung tâm. Trung tâm thi ca Wick cũng đã mở hơn 200 lớp sáng tác thơ cho triển lãm đặc biệt này. Những bài thơ cảm động nhất đã được chọn lựa để song hành cùng với các bức tranh của trẻ em Việt Nam tại triển lãm. Cuộc triển lãm sẽ đi vòng quanh nước Mỹ, đến với tất cả các thành phố lớn. Thông điệp hòa bình của thiếu nhi nước ta sẽ có cơ hội đến với nhiều người dân nước Mỹ.

Nhà tâm lý học nổi tiếng Mỹ, tiến sĩ, bác sĩ, nhà văn Edward Tick, đồng giám đốc tổ chức Trái tim người lính chia sẻ: “Tôi tin rằng Việt Nam có những bài học về hòa bình mà toàn bộ thế giới này cần phải biết. Những cựu chiến binh mà tôi đưa quay về Việt Nam đã được con người và văn hóa Việt Nam giúp hàn gắn vết thương hơn cả 40 năm chữa trị bằng thuốc và qua tư vấn ở Mỹ. Tôi tin rằng, những vết thương chiến tranh sâu và rộng khắp đến nỗi chúng ta sẽ không thể xây dựng thành công nền hòa bình tới khi nào toàn bộ thế giới này hàn gắn được những vết thương từ lịch sử các cuộc chiến của nó”.

Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động khi đọc bài thơ Bài hát người phụ nữ Việt Nam của Edward Tick. Ông không phải là cựu chiến binh Mỹ nhưng nhà thơ này đã hiểu chiến tranh Việt Nam sâu sắc qua hình ảnh những người phụ nữ anh hùng, nhân hậu của đất nước ta: Tôi sẽ dâng hiến cha tôi, chồng tôi, các con / Ban phúc cho họ ra đi dù không ngày gặp lại / Tôi sẽ cầu mong cho các người trở về trong vòng tay của mẹ các người và tha thứ cho các người mặc dù các người lấy đi tất cả của tôi. Ông lý giải chiến thắng của dân tộc ta và sự thất bại của kẻ xâm lược qua người phụ nữ Việt Nam rất khái quát và giản dị: Tôi là bà, mẹ, vợ, con / Làm cho tôi tức giận, các người không thể đúng / Làm cho tôi đau đớn, các người không thể công bằng / Làm tôi chiến đấu các người không thể thắng / Làm tôi đứng lên các người phải ngã xuống / Hãy trở lại trong hòa bình và cho tôi xem vết thương / Tôi sẽ băng bó với tình yêu và gọi các người là anh em. (Nguyễn Phan Quế Mai dịch).

Thomas Michael Saal từng là lính thủy đánh bộ Mỹ tại chiến trường Việt Nam, năm 1968 ông bị trúng mìn của ta. Cuộc chiến tranh ở đất nước cách xa Mỹ hàng vạn cây số đường không, đường biển trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm của gia đình ông. Thomas Saal tâm sự: “Gia đình tôi bị ảnh hưởng sâu sắc chiến tranh Việt Nam. Bố mẹ tôi cấm không được nhắc đến cuộc chiến tranh ấy vì nó quá đau đớn. Các bạn biết không, tôi bị mắc bệnh trầm cảm vì chiến tranh Việt Nam. Tôi là một người căm thù chiến tranh.

Ai đó từng nói: nước Mỹ đang bị tổn thương sâu sắc bởi chiến tranh. Tôi đồng ý điều đó”. Khi xem bức tranh Nụ cuộc sống của em Võ Thanh Mai 12 tuổi, Thomas Saal đã rơi nước mắt và bài thơ Nhìn tôi ra đời: Nhìn tôi! / Hãy nhìn tôi đây!/ Nhìn nước mắt này / Nhìn sự sợ hãi /  Trên gương mặt tôi / Gây ra bởi cuộc chiến tranh của các người… / Nhìn tôi! / Hãy nhìn tôi đây! / Tù túng trong một chiếc bong bóng hoa / Bị nhốt bên trong / Không có chìa khóa / Không thể thoát ra. Hình ảnh em bé – một nạn nhân chiến tranh – bị nhốt trong chiếc bong bóng hoa thật ám ảnh và chiếc chìa khóa để giải thoát sự tù túng ấy phải chăng là tình yêu thương của con người.

Còn nhiều, những câu thơ nói về chiến tranh và hòa bình của người Mỹ từ bài học Việt Nam. Nó là những ăn năn, chia sẻ đáng trân trọng về quá khứ, từ những vết thương, những rạn nứt trong lòng nước Mỹ giàu có. Cũng là những ước mong, khát khao hòa giải, yêu thương của nhiều công dân một nước từng gây chiến tranh xâm lược với nước ta. Từng chịu nhiều thương đau mất mát vì chiến tranh, hơn ai hết người Việt Nam yêu quý trân trọng hòa bình. Đất nước đã từng có không ít những số phận “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá / Em níu giường níu chiếu đợi anh” như nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết không lý nào không thiết tha với hòa giải, hòa hợp, hòa bình. Khát vọng hòa bình, điều ấy, đã được vẽ nên, viết nên một cách xúc động từ những bức họa của thiếu nhi Việt Nam và các bài thơ của nhiều bạn Mỹ 

NGUYỄN HỮU QUÝ

Tin cùng chuyên mục