Mới đây, báo New York Times của Mỹ đã tung ra loạt bài điều tra về con đường soạn thảo luật tại quốc hội các bang của Mỹ, trong đó chỉ rõ các công ty đại gia của Mỹ thường soạn thảo luật sẵn và sau đó đưa cho các nghị sĩ mà họ từng ủng hộ tranh cử thông qua thành luật. Đó là lý do tại sao rất nhiều bộ luật ở Mỹ chỉ phục vụ các tập đoàn kinh tế mà không phục vụ lợi ích người dân.
Đường đi từ dự luật đến luật chính thức
Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái các nhà làm luật các bang của Mỹ cùng hành động mạnh tay với cộng đồng thiểu số, cản trở luật cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, làm suy yếu các quy định về môi trường và phá vỡ liên minh giữa các khu vực tư nhân và nhà nước.
Tất cả những nỗ lực đó đang được dàn xếp bởi một tổ chức mọi người ít biết đến và được các tập đoàn kinh tế tài trợ hàng triệu đô la - Hội đồng giao dịch lập pháp Mỹ (ALEC). Tổ chức này đã tồn tại 40 năm. Nó bao gồm 300 tập đoàn, trong đó có tập đoàn dầu khí Exxon Mobil và Shell Oil, tập đoàn năng lượng the Koch, các công ty IT như Microsoft, Hewlett-Packard and Dell, nhà sản xuất xe General Motors, công ty sản xuất dược phẩm Eli Lilly, GlaxoSmithKline, công ty thuốc lá Philip Morris, tập đoàn sản xuất nước uống Diageo và nhà bán lẻ Wal-Mart… ALEC theo dõi tất cả các nhà lập pháp trên 50 bang của nước Mỹ và mỗi năm có hơn 1.000 dự luật các bang được ALEC vận động hành lang, phần lớn trong số đó trở thành luật.
Năm ngoái, các nghị sĩ bang Ohio giới thiệu dự luật cho phép phạt tiền các doanh nghiệp làm ăn gian lận. Hàng năm chính quyền bang phạt hàng tỷ đô la các công ty làm ăn gian dối. Ngay sau đó, thượng nghị sĩ hàng đầu của bang Bill Seitz viết một bức thư cho các nhà làm luật rằng “những người bạn của chúng ta ở ALEC cho rằng dự luật như vậy không phù hợp vì vậy không nên được thông qua”. Cuối cùng luật không được thông qua dù được sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Đài tiếng nói Hoa kỳ đưa tin tháng 2 năm nay, những người biểu tình hưởng ứng phong trào “Chiếm Phố Wall” ở New York cáo buộc nhiều tập đoàn kinh tế và công ty sử dụng các nhóm vận động đặc biệt để mua chuộc các nhà làm luật của Mỹ nhằm hưởng lợi thế chính trị. Các xí nghiệp lớn của Mỹ bị phản đối có Exxon Mobil, Bank of America, BP, Monsanto, Pfizer và Walmart. Họ đã bỏ tiền cho cơ quan mua chuộc các dân biểu quốc hội bỏ phiếu làm những luật có lợi cho họ, gây hại thành phần “thấp cổ bé họng”. Thí dụ rõ ràng nhất là luật chống lại người lao động tên Wisconsin Act 10 và luật kỳ thị chủng tộc chống lại di dân ở bang Arizona.
Một cuộc khảo sát do New York Times thực hiện cho thấy ảnh hưởng của ALEC đến Hạ viện bang Virginia rất rõ ràng. Lãnh đạo Hạ viện William Howell từng là thành viên của ALEC năm 2003 và chủ tịch tổ chức này vào năm 2009. Ông ta đã tài trợ nhiều dự luật nhằm làm lợi cho các công ty ủng hộ tài chính cho ALEC. Ít nhất 115 nghị sĩ bang có mối quan hệ với ALEC, trong đó có hưởng lương thành viên, tham dự các cuộc họp và tài trợ các dự luật.
Theo một hồ sơ New York Times có được thì các thành viên trong ban lãnh đạo ALEC nhận tiền từ các tập đoàn thông qua các chương trình tài trợ chính thức. Ví dụ theo tờ khai thuế của ALEC, trong năm 2011 tập đoàn viễn thông AT&T, công ty dược Pfizer và Reynolds American đóng góp từ 130.000 USD đến 398.000 USD. Số tiền này được ALEC “bỏ túi” các nhà lập pháp theo những chương trình có tên gọi như “học bổng” dành cho các nhà lập pháp tham dự các hội nghị hàng năm nhưng chủ yếu là đi du lịch. Có những hội nghị kéo dài 4 ngày nhưng ALEC dành tới 250.000 USD chăm sóc con cái của các gia đình thành viên tham gia hội nghị…
Luật vì lợi ích người giàu
Năm 2011, ALEC bắt đầu bằng một chiến dịch “hạn chế quyền bỏ phiếu”, không ít hơn 38 bang đã giới thiệu dự luật này. Các hạn chế bao gồm việc chứng minh quốc tịch trước khi đăng ký bỏ phiếu, ngăn cản các nhóm vận động giúp đỡ mọi người đi bỏ phiếu, bãi bỏ đăng ký ngày bầu cử, giảm các cuộc bầu cử sớm, xuất trình chứng minh thư tại phòng phiếu… Hơn 10% công dân Mỹ không có chứng minh thư do chính phủ cấp, con số này là 25% trong cộng đồng Mỹ gốc Phi và 18% trong số cử tri ở tuổi thanh niên. Theo khảo sát, cử tri gốc Phi và thanh niên thường bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Vì vậy việc hạn chế này nhằm mục đích ngăn cản các cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Nhưng các bang tuyên bố luật này nhằm ngăn chặn gian lận bỏ phiếu. New York Times cho rằng gian lận bầu cử ở Mỹ hình như không có nên không cần thiết phải có luật như thế.
Pfizer, hãng sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới cũng là một trong các mục tiêu tiếp cận của phong trào “Chiếm Phố Wall” hồi đầu năm. Những người biểu tình tụ tập tại trụ sở chính của hãng Pfizer ở New York để cáo buộc công ty này đã tính giá thuốc quá cao, chẳng hạn 1 liều thuốc lên tới 50 USD trong khi đó tiền vốn bỏ ra để sản xuất chỉ hết 5 cent, tức cao hơn gấp 1.000 lần. Bác sĩ Auerback, người tham gia phong trào cho biết cùng chủng loại thuốc này, người tiêu dùng ở Canada và New Zealand trả ít hơn nhiều. Vì vậy hãng này đã bỏ tiền làm luật cấm người dân sử dụng thuốc cùng loại của các hãng sản xuất nước ngoài.
Kế hoạch thúc đẩy năng lượng tái sinh của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm ngoái được dân Mỹ ủng hộ thì năm nay xem như đã chết non. Đơn giản vì nó làm thiệt hại đến lợi ích các công ty dầu mỏ. Đầu năm nay, ALEC nhận tiền từ các công ty dầu mỏ đã tấn công mặt trận nguồn năng lượng tái tạo. ALEC tuyên bố việc cắt giảm khí thải nhà kính sẽ hủy hoại nền kinh tế và cũng không có lợi cho môi trường, đồng thời làm tăng giá điện, giá xăng. Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của chính phủ thì chính sách năng lượng sạch giúp làm chậm tỷ lệ tăng giá điện ở 12 bang của Mỹ đồng thời việc giới thiệu công nghệ mới cũng góp phần tạo việc làm.
Không cần phải nói vấn đề môi trường là món hời béo bở của của ALEC. Exxon Mobil thông qua ALEC đã soạn thảo luật cho phép các công ty năng lượng không nêu tên các hóa chất dùng trong lọc dầu và tuyên bố rằng đó là bí mật thương mại. Cho đến giờ, người Mỹ không hề biết xăng họ đang dùng có những loại hóa chất nào, mà nhiều người nghi ngờ có khả năng gây hại cho sức khỏe và môi trường.
Các trường cao đẳng và đại học tư nhận tài trợ mỗi năm 30 tỷ USD từ quỹ liên bang nhưng vẫn thu tiền học phí rất cao. Chỉ có 11% sinh viên Mỹ đủ khả năng học ở các trường như thế nhưng quỹ cho sinh viên vay dành cho các trường này chiếm đến 44% tổng quỹ vay cho sinh viên, trong khi tiền vay dành cho sinh viên tất cả các trường đại học công chỉ còn lại 56%. Và để có những chính sách ủng hộ lợi ích của mình thì hầu như các trường tư đều phải “cống nạp” cho ALEC
Quỳnh Như (tổng hợp)