Khi cây mía bị mất chữ đường

ĐBSCL đang bước vào vụ mía đắng, khi giá mía nông dân bán chỉ bằng giá thành sản xuất. Sau hơn 8 tháng chăm sóc, nông dân gần như làm không công trên chính mảnh đất của mình. 
Khi cây mía bị mất chữ đường

Giá đường bán buôn trên thị trường đã nhích lên và đang chờ động thái tiếp theo, khi Bộ Công thương tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía, có xuất xứ từ Thái Lan.

Các nhà máy đường hy vọng giá đường bán buôn có thể tăng, song vùng mía nguyên liệu ở miền Tây khó có thể tồn tại để cung ứng cho các nhà máy, khi nông dân bỏ mía hàng loạt.  

Cùng trồng mía, nhưng nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) bán mía với hai mức giá khác nhau. Bán cho thương lái mua về ép nước mía thì giá từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, còn bán cho Nhà máy đường Phụng Hiệp thì chỉ từ 780 -1.000 đồng/kg.

“Gia đình tôi vừa bán 9 công mía với giá 1.400 đồng/kg cho thương lái (mua về ép nước mía), lời trên 600 đồng/kg. Đây được xem là giá cao nhất trong vòng 5 năm qua”, anh Huỳnh Văn Cường ở huyện Phụng Hiệp, cho biết.

Phụng Hiệp là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất ĐBSCL. Nơi đây thuộc vùng đất thấp, một phần diện tích mía thường bị ngập nước từ cuối tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Ngay sau khi nước rút, cây mía bị mất chữ đường, nên nông dân bán cho nhà máy với giá khoảng 780 đồng/kg, bằng với giá thành sản xuất.

“Năm ngoái do thiếu nguyên liệu, nhà máy Vị Thanh đã tạm đóng cửa, chỉ còn nhà máy Phụng Hiệp hoạt động, nhưng tình hình thiếu mía nguyên liệu trầm kha. Đầu vụ này, nhà máy hoạt động vài ngày phải ngưng để chờ đủ nguồn mía nguyên liệu…”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Theo ông Hùng, Hậu Giang đã quy hoạch lại vùng mía nguyên liệu với diện tích gắn đê bao. Trong đó, sẽ để nông dân chủ động bán cho thương lái mua ép nước và cung cấp cho nhà máy.

Thời đường cát có giá, các nhà máy tập trung về Phụng Hiệp tranh giành mua mía nguyên liệu; cao điểm Phụng Hiệp có 10.000ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 4.500ha. Tương tự, thời cao điểm, ĐBSCL có khoảng 100.000ha trồng mía, nay chỉ còn hơn 10.000ha. Theo đó, từ 10 nhà máy đường hoạt động, nay chỉ còn 3 nhà máy chạy cầm chừng.

“Đây là năm mà nông dân huyện Phụng Hiệp bán mía cho thương lái mua về ép nước lớn nhất, với 2.000ha, chiếm gần 1/2 diện tích mía của toàn huyện”, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết.

Việc này có thể là câu chuyện phát sinh “ngoài dự kiến” của nhà máy Phụng Hiệp - một trong những nhà máy còn hoạt động ở ĐBSCL (hai nhà máy khác là Trà Vinh và Sóc Trăng dự kiến sau tết mới hoạt động). 

Giá đường trong nước đã nhích lên trong 2 tháng qua. Cụ thể, giá đường bán buôn ở mức 14.000 đồng/kg; giá bán tại các chợ, siêu thị 15.000 - 18.000 đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg. Dù vậy, diện tích mía nguyên liệu ở miền Tây tiếp tục giảm là điều khó tránh khỏi, khi giá thu mua mía nguyên liệu của những nhà máy “cuối cùng” bằng với giá thành sản xuất. May ra, diện tích mía chỉ còn lại như một phần “ký ức” người miền Tây thích uống nước mía từ các xe ép mía… 

Tin cùng chuyên mục