Khi Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM hết vốn đầu tư!

ảnh
Khi Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM hết vốn đầu tư!
  • Hơn 600 tuyến đường thành phố bị mất điện vì thiếu kinh phí sửa chữa

Việc tắt xen kẽ bóng đèn chiếu sáng được xem là giải pháp tình thế vì tiết kiệm điện nhưng không đảm bảo an toàn giao thông. Trước thực tế đó, Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM (CTCSCC) đã lên phương án thay thế dần bóng cũ bằng bóng đèn hai cấp công suất. Loại bóng này cho phép giảm công suất chiếu sáng để tiết kiệm điện mà không cần phải tắt xen kẽ bóng đèn.  Thế nhưng, hiện việc đầu tư thay thế này đang bị ngưng lại vì công ty hết kinh phí duy tu sửa chữa. Nghiêm trọng hơn, cũng với lý do này mà hàng trăm tuyến đường trên địa bàn thành phố bị mất điện. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Huệ (ảnh), Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng về vấn đề này.

- Phóng viên: Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao CTCSCC lại hết vốn duy tu sữa chửa?

Khi Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM hết vốn đầu tư! ảnh 1

Ông TRẦN TRỌNG HUỆ: Năm 2007, CTCSCC được ghi vốn duy tu sửa chữa hệ thống chiếu sáng công cộng và đèn tín hiệu giao thông là 116 tỷ đồng. Còn trong năm 2008, CTCSCC được tạm ghi vốn là 100 tỷ đồng. Vậy nếu tính theo thời giá của năm 2007 thì chi phí cho trang thiết bị điện để sử dụng thay mới, sửa chữa cho hệ thống chiếu sáng công cộng và hệ thống tín hiệu đèn giao thông cũng đã không đủ. Đó là chưa kể từ đầu năm 2008 đến nay, giá thành các trang thiết bị điện đã tăng khoảng 20 – 30% so cùng kỳ năm 2007 nên cho đến nay toàn bộ số vốn cấp cho CTCSCC đã hết.

- Việc này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động duy tu, sửa chữa hệ thống chiếu sáng và tín hiệu đèn giao thông trên địa bàn thành phố?

Có thể nói, việc hết vốn duy tu sửa chữa đã đẩy công ty vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Đối với những thiết bị điện đã hết thời hạn sử dụng, phải thay mới thì vẫn phải tận dụng để hoạt động. Còn những bộ đèn chiếu sáng bị cháy thì chúng tôi lấy của trụ đèn khác thay vào. Riêng những tuyến đường bị mất cắp hoặc hư hỏng dây điện thì đành phải chờ kinh phí mới lập kế hoạch sửa chữa, phục hồi được.

- Nếu CTCSCC sử dụng giải pháp lấy bộ đèn từ  những trụ này thế cho trụ kia thì những trụ bị lấy bóng sẽ tối thui?

Sở dĩ lấy bóng đèn trụ khác thế vào mà không gây ảnh hưởng đến vấn đề chiếu sáng là vì chúng tôi đang thực hiện chủ trương tiết giảm điện chiếu sáng để tiết kiệm điện. Theo đó, công ty đã tắt xen kẽ bóng đèn chiếu sáng. Những bóng đang chiếu sáng bị cháy thì có thể lấy bóng tại các trụ đèn tắt thế sang.

- Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng bao nhiêu tuyến đường bị mất điện chiếu sáng hoàn toàn đang chờ được phục hồi?

Theo thống kê của Xí nghiệp tuần tra giám sát thì có khoảng hơn 600 tuyến đường bị mất dây điện và bị cúp một phần hệ thống đèn chiếu sáng đang chờ được phục hồi. Tập trung nhiều nhất là các tuyến đường tại các quận 2, 9, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…

Khi Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM hết vốn đầu tư! ảnh 2

Đèn đường mở xen kẽ trên đường Điện Biên Phủ. Ảnh: ĐỨC TRÍ

- Được biết, trước đây, ông từng khẳng định việc tắt xen kẽ bóng đèn chiếu sáng vừa không đảm bảo kỹ thuật vừa mất an toàn giao thông?

Đúng là việc tắt xen kẽ đèn chiếu sáng là giải pháp tình thế nhằm đối phó với thực trạng thiếu điện. Còn nếu nói về mặt kỹ thuật chiếu sáng thì không đảm bảo an toàn giao thông vì sẽ tạo ra những khoảng sáng tối trên đường rất nguy hiểm cho phương tiện tham gia lưu thông.

Hiện công ty đã chủ động sử dụng loại bóng đèn hai cấp công suất là 250W và 150W để thay thế cho bóng đèn một cấp công suất đang sử dụng. Loại bóng này cho phép vào những thời điểm cần thiết hoặc ít phương tiện lưu thông có thể chuyển qua cấp công suất nhỏ hơn (từ 250W xuống còn 150W) để tiết kiệm điện mà không cần phải tắt đèn. Trên thực tế, việc ứng dụng loại bóng này đã được triển khai tại một số tuyến đường và đã đạt hiệu quả cao về kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thay mới dần loại bóng đèn này đang bị ngưng vì công ty hết kinh phí.

- Thế còn dự án đầu tư xây dựng Trung tâm quản lý chiếu sáng công cộng, nếu đi vào hoạt động thì có giải quyết được mâu thuẫn giữa chiếu sáng và tiết kiệm điện?

Dự kiến đến tháng 11-2008, trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động. Việc đầu tư xây dựng Trung tâm quản lý chiếu sáng công cộng là giải pháp cần thiết và lâu dài đối với hoạt động chiếu sáng công cộng. Trung tâm sẽ có chức năng điều công suất chiếu sáng (tăng hoặc giảm) của 12.000/90.000 bộ đèn trên địa bàn thành phố. Như vậy tiết kiệm đáng kể sản lượng điện mà không phải thực hiện tắt xen kẽ bóng đèn chiếu sáng. Về lâu dài, phần mềm quản lý chương trình của trung tâm cho phép quản lý 210.000 bộ đèn chiếu sáng. Do đó, nếu có kinh phí đầu tư gắn model cho 90.000 bộ đèn đang hoạt động trên địa bàn thành phố để đưa vào quản lý tập trung tại trung tâm thì sẽ tiết giảm khối lượng lớn sản lượng điện tiêu thụ.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục