Khi dân số già hóa quá nhanh

Cách đây không lâu, Việt Nam tự hào vì bước vào giai đoạn “dân số vàng”, với tỷ lệ lao động trong độ tuổi cao. Thế nhưng, chưa kịp tận dụng, khai thác “dân số vàng”, tạo cơ hội cho người lao động tích lũy thu nhập, tăng lợi tức nhân khẩu thì hiện tại, nước ta lại phải đối mặt với thực tế: bước vào ngưỡng già hóa dân số.

Cách đây không lâu, Việt Nam tự hào vì bước vào giai đoạn “dân số vàng”, với tỷ lệ lao động trong độ tuổi cao. Thế nhưng, chưa kịp tận dụng, khai thác “dân số vàng”, tạo cơ hội cho người lao động tích lũy thu nhập, tăng lợi tức nhân khẩu thì hiện tại, nước ta lại phải đối mặt với thực tế: bước vào ngưỡng già hóa dân số.

Già hóa dân số là kết quả của quá độ nhân khẩu học, trong đó mức chết và sinh đều giảm và tuổi thọ bình quân tăng lên, làm gia tăng số lượng người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Điều bất thường là tốc độ già hóa dân số của nước ta nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển khác và là một trong 10 nước lao dốc nhanh nhất thế giới. Đó là nhận định của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc - UNFPA. Theo dự báo thì phải đến năm 2017, Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn dân số già, thế nhưng mới đến năm 2013, tỷ lệ người cao tuổi (theo quy định của UNFPA) đã chiếm 10,5% tổng dân số. Không chỉ báo động vì nó đến sớm hơn dự báo 5 năm, cột mốc dân số “bạch kim” còn đang đặt ra nhiều thách thức đối với Chính phủ, các cấp chính quyền và trong từng gia đình.

Theo các chuyên gia, có ba thách thức quan trọng đối với vấn đề già hóa dân số ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thứ nhất, người cao tuổi là nữ giới chiếm nhiều hơn nam giới; thứ hai, họ sống ở nông thôn nhiều hơn và thứ ba là phần đông người cao tuổi sống trong gia đình có nhiều thế hệ. Theo nhận định của PGS-TS Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, già hóa dân số không phải là gánh nặng, nhưng nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế, xã hội trở nên trầm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị, thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Già hóa dân số là vấn đề toàn cầu hóa và đang tạo ra nhiều áp lực. Vì thế, mỗi nước đều có hướng đối phó, giải quyết khác nhau. Vậy chúng ta đã có sự chuẩn bị vào cuộc như thế nào để ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng của nó?

Theo điều tra của Bộ Y tế, chỉ có 5% người cao tuổi của nước ta có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như: tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ… Chi phí y tế của người cao tuổi cao gấp 7 lần so với người trẻ; tính riêng chi phí y tế của nhóm người trên 75 tuổi đã chiếm 30% tổng ngân sách quốc gia. Làm thế nào để giảm thiểu gánh nặng y tế lẫn gánh nặng xã hội cho người cao tuổi? Trong vòng 15-20 năm nữa, chúng ta đặt nặng về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động nhưng thách thức ở giai đoạn này lại là dân số biến động, già hóa nhanh, số lượng lao động tham gia lao động giảm mạnh. Không những thế, khoảng hơn hai thập niên nữa (2030 - 2040), tốc độ tăng trưởng lao động tiếp tục giảm tốc vì mức sinh trung bình giảm sâu, dẫn đến khả năng thiếu hụt lao động trầm trọng. Như thế chúng ta phải làm gì để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững như mong muốn?

Rõ ràng già hóa dân số sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế xã hội và mọi mặt của đời sống. Nếu không có sách lược đối phó kịp thời, kể cả điều chỉnh các chính sách về dân số, lao động, việc làm, an sinh xã hội… phù hợp thì nó sẽ trở thành gánh nặng, áp lực lớn cho nhà nước lẫn từng tế bào xã hội. 

Thực tế cho thấy, lợi tức nhân khẩu ở Việt Nam thấp do người lao động về hưu sớm, nhất là nữ giới (55 tuổi). Hơn nữa, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội cũng rất thấp, chủ yếu làm việc ở khu vực phi chính thức. Vì thế khi về già, phần đông người cao tuổi tích lũy không nhiều hoặc trắng tay, sống phụ thuộc vào con cái hay trợ cấp ít ỏi của nhà nước. Ngoài khuyến nghị nên nới lỏng chính sách dân số và để người dân tự quyết định số con, nhà nước cần có chính sách phát triển thị trường lao động theo hướng mở, linh hoạt, trong đó khuyến khích tận dụng nguồn lao động chất xám đã về hưu, người cao tuổi còn có năng lực làm việc... Bên cạnh đó, mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, cải thiện các dịch vụ giáo dục, đào tạo, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại cho người cao tuổi để họ nâng cao khả năng hội nhập, thích ứng với xã hội hiện đại. Bên cạnh thách thức, cơ hội khai thác thị phần cung ứng dịch vụ, nhất là chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho người cao tuổi sẽ phát triển mạnh. Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc y tế, dinh dưỡng… cho người già còn rất ít. Và nếu chậm chân, doanh nghiệp Việt sẽ mất thị phần ngay trên sân nhà.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục