Sẽ rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều luật, trong đó có Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 10

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến 53 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong 6 tháng cuối năm 2025, Chính phủ dự kiến trình 49 văn bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì cuộc họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì cuộc họp

Ngày 14-7, tại cuộc họp trao đổi, hoàn thiện đề xuất của Chính phủ về chương trình lập pháp năm 2026, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh, do số lượng luật cần sửa đổi, bổ sung rất nhiều, nên trước hết cần làm rõ định hướng, nguyên tắc; thống nhất về cách thức xây dựng các luật cần sửa đổi, bổ sung nhằm thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, tra cứu và sử dụng pháp luật.

Thứ tự ưu tiên đưa vào chương trình lập pháp năm 2026, theo Bộ trưởng, là các dự án tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; các dự án phục vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục vụ cho tăng trưởng đột phá 2 chữ số; sửa đổi toàn diện hoặc ban hành mới các luật nhằm bảo đảm tiến độ sửa đổi và tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật và thứ 4 là xử lý các bất cập, vướng mắc pháp luật.

Theo dự thảo tờ trình đề xuất của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và cho ý kiến 53 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 49 văn bản.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật và của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn... để bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 10, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung các luật không chỉ là sửa nội dung về phân cấp thẩm quyền, mà cố gắng sửa toàn diện nhất có thể, trong đó có nội dung về phân cấp, phân quyền.

Tin cùng chuyên mục