Phát triển kinh tế tập thể tại TPHCM - Những điểm sáng

Khi HTX nông nghiệp bắt nhịp thị trường

Nông dân không thể “tự bơi” trong bối cảnh yêu cầu xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin qua việc truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nông dân trồng rau sạch VietGap cung ứng cho HTX Phú Lộc Ảnh: THANH HẢI
Nông dân trồng rau sạch VietGap cung ứng cho HTX Phú Lộc Ảnh: THANH HẢI
 Vì vậy, người dân sản xuất gắn với hợp tác xã (HTX) để liên kết với doanh nghiệp trong việc đưa nông sản ra thị trường là một xu hướng. 

Thu hút thành viên mới nhờ tính hiệu quả 

Nhờ vườn rau VietGAP (xã Tân Phú Trung) mà gia đình chị Nguyễn Thị Hường (quê Hưng Yên) đã không còn cảnh chạy lo từng bữa cơm. Chị Hường kể lại: “Từ ngoài Bắc vào Nam để lập nghiệp, lúc đó trồng rau rất bấp bênh, giá thị trường không ổn định, luôn bị các thương lái ép. Nhưng sau khi tham gia vào HTX Phú Lộc, cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn tận tình cách trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, được lo đầu ra ổn định, cuộc sống, thu nhập ổn định hơn. Chỉ cần tuân thủ đúng những quy định của HTX, bớt phải lo toan nhiều thứ như trước”. Năm 2011, ngay khi mới thành lập, HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) bắt đầu ngay bằng mô hình phát triển rau VietGAP và dần dần nhân rộng ra 7 xã (Tân An Hội, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung…). Chưa kể mô hình còn phát triển ra các tỉnh Long An, Tiền Giang và Lâm Đồng với đa dạng chủng loại. Đất của bà con, công của xã viên, HTX cho cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng rau VietGAP. Lúc đầu sản phẩm đưa ra thị trường chưa được người tiêu dùng biết đến nên đã có không ít thành viên HTX xin ra, số bám trụ lại không nhiều. Thế nhưng, nhờ bắt kịp xu thế thị trường đó là an toàn thực phẩm và minh bạch thông tin qua việc truy xuất nguồn gốc, những cố gắng cuối cùng cũng mang lại hiệu quả. Phú Lộc hiện là một trong 2 HTX đầu tiên của TPHCM dán tem truy xuất nguồn gốc các loại rau quả sản xuất ra. Từ 12 xã viên ban đầu đến nay đã có 26 xã viên chính thức và 150 hộ nông dân tham gia cung ứng hơn 100 sản phẩm với diện tích 68ha được chứng nhận VietGAP.

Năm 1999, khi thành lập HTX Bò sữa Tân Thông Hội (Củ Chi) có 20 xã viên HTX, chỉ có một trạm thu mua sữa tươi. Hiện nay, HTX có 4 trạm thu mua và một số trạm vệ tinh khác để tổ chức tiêu thụ sữa bò tươi cho các thành viên và hộ nông dân. Hiện HTX ký hợp đồng trực tiếp với nhiều đơn vị có nhu cầu chế biến nguyên liệu từ sữa tươi. Các khách hàng chủ yếu của HTX như Công ty cổ phần Lothamilk (Long Thành), Công ty CP Thực phẩm CMT (Bông Milk), Công ty cổ phần TM và vận tải Liên Kết (Healthy Milk), Công ty TNHH Thực phẩm Ánh Hồng... HTX đã xây dựng và đưa vào vận hành phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng sữa với các loại máy móc, thiết bị sử dụng phương pháp phân tích theo các chỉ tiêu về vi sinh, lý hóa... đảm bảo đầu ra cho các xã viên. HTX chịu trách nhiệm về chất lượng sữa. Ngoài ra, nhờ đàm phán trực tiếp với các nhà máy sản xuất, HTX cung ứng thức ăn chăn nuôi, hèm bia, xác mì... cho các thành viên với giá rẻ hơn thị trường, giúp giảm bớt chi phí đầu vào cho các thành viên. Từ những hiệu quả đó, đến nay HTX có hơn 300 thành viên, quy mô đàn bò khoảng 5.000 con, sản lượng thu mua hàng ngày khoảng 27 tấn sữa. Năm 2015 doanh thu sữa là 117 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng; năm 2016 lên 123 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng. HTX hướng tới mô hình khép kín từ khâu chăn nuôi, sản xuất nguyên liệu cho đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa để mang lại hiệu quả cao hơn cho người chăn nuôi. Anh Ngô Văn Nam, xã Tân Thạnh Đông nói, HTX đã giúp cho nông dân ổn định được đầu ra, không phải lo bị ép giá.
Không chỉ cung ứng mà còn chế biến 

Ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc HTX Tân Thông Hội cho biết, công sức lớn nhất là các thành viên đã cung ứng sữa luôn ổn định và đảm bảo chất lượng ra thị trường. Để có thể nâng thêm sản lượng thông qua nâng cao năng suất, HTX kết hợp với Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Trung tâm Khuyến nông TP, các nhà sản xuất thuốc thú y tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kiến thức về dinh dưỡng và thú y để phòng tránh hoặc điều trị các bệnh phổ biến trên bò sữa cho các thành viên. Nhờ vậy, chất lượng sữa ổn định, cả năng suất và sản lượng đều tăng lên. Ông Khánh cho biết, qua thời gian hoạt động, Ban giám đốc HTX suy nghĩ, tại sao sản lượng sữa tươi và tổng đàn bò sữa của huyện Củ Chi chiếm gần 2/3 tổng đàn bò sữa TP, nhưng không ai biết đến nguồn gốc sữa từ Củ Chi trong các sản phẩm chào bán trên thị trường? Tại sao không mạnh dạn đột phá, xây dựng thương hiệu sữa Củ Chi qua việc đầu tư nhà máy, tiến tới tự chủ hoàn toàn? Từ suy nghĩ đó, HTX liên hệ với UBND huyện Củ Chi để xin hỗ trợ vị trí đặt nhà máy trong KCN Cơ khí ô tô TPHCM (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) với diện tích xây dựng hơn 3.000m2, công suất chế biến 30 tấn/ngày, kinh phí dự kiến khoảng 37 tỷ đồng. Trụ sở của HTX nằm trên đất nông nghiệp cũng được huyện và TP đồng ý cho thuê mặt bằng 50 năm để ổn định việc sản xuất và kinh doanh. HTX đã đặt mua máy móc từ đối tác nước ngoài, bao bì nhãn mác sản phẩm để chuẩn bị tung ra thị trường các sản phẩm sữa tươi thanh trùng chai và hộp giấy, sữa chua uống và ăn, sữa tiệt trùng mang thương hiệu sữa tươi Củ Chi. Nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện và TP, trước mắt sản phẩm sẽ được phân phối trong trường học, siêu thị TPHCM. Về lâu dài, khi đầu ra ổn định, HTX sẽ mở rộng hơn nguồn cung ứng, giúp tiêu thụ một sản lượng sữa lớn cho xã viên. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Giám đốc HTX sản suất rau an toàn Phú Lộc cho biết, HTX rất may mắn, vì HTX có xã viên ở đâu đều được địa phương nơi đó giúp đỡ. Từ trụ sở đến nhà xưởng sơ chế, HTX đều thuê đất của dân. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của đối tác, HTX đang xin chủ trương TP được thuê một vị trí ổn định với diện tích khoảng 1.000m2 để có thể nâng cấp nhà sơ chế và đóng gói đạt chuẩn, công suất 20 tấn/ngày. Nhờ áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin nơi sản xuất, các sản phẩm rau củ VietGAP được người tiêu dùng tin cậy và tiêu thụ nhiều hơn. Hiện HTX đang ấp ủ thương hiệu rau muống nước Củ Chi, đảm bảo tính an toàn và truy xuất nguồn gốc. 

Tin cùng chuyên mục