Những ngày qua, không ít lần qua các trang báo, mạng xã hội, bạn đọc lại được nghe những câu chuyện buồn về những vụ tự tử của một số sinh viên, học sinh. Con số này tăng lên sau khi có điểm thi tốt nghiệp, những thất vọng, những kỳ vọng quá cao đã tạo sức ép lớn lên những người trẻ khiến họ lâm vào trầm cảm và khi tự cho là không còn lối thoát, nhiều em đã chọn con đường tiêu cực nhất.
Học giỏi vẫn trầm cảm
Câu chuyện buồn về em Trần Thị P.H, Quảng Ngãi vẫn được nhiều bậc phụ huynh trên diễn đàn chuyên về trầm cảm Beautiful Mind VN nhắc đến. Học giỏi, ngoan hiền, tương lai đầy rộng mở với em. Thế nhưng, sau kỳ thi tốt nghiệp cách nay vài năm, em bỗng lâm vào trạng thái trầm cảm, không trò chuyện, luôn buồn bã, từ chối tất cả mọi giao tiếp với bạn bè. Mọi người sửng sốt khi biết tin em tìm đến cái chết và còn bất ngờ hơn nữa khi em nêu lý do trong thư tuyệt mệnh rằng em đã phụ lòng mọi người, phụ lòng ba mẹ, đã học không tốt…
Điều đáng nói nhất, điểm thi của em rất cao so với bạn bè, chỉ thiếu một chút là có thể tuyển thẳng vào trường gia đình mong muốn. Điểm thi của em là niềm ước ao của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa khác vì thế họ không thể hiểu nổi vì sao em lại tự kết liễu đời mình với điểm thi tốt như thế.
Nhiều người vẫn cho rằng chỉ khi học kém, học không tốt, trẻ mới bị áp lực. Thế nhưng trên thực tế chính những đứa trẻ học giỏi, có thành tích cao lại phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều. Áp lực đến từ thành tích, đến từ hy vọng của gia đình, dòng họ với những lời khen cũng là lời dặn dò kiểu “cháu đang là niềm tự hào của gia đình, dòng họ” nên dù chỉ một thất bại, có thể thất bại đó rất nhỏ nhưng nó lại quật ngã các em, những đứa trẻ vừa bước vào tuổi lớn.
Theo PGS-TS Nguyễn Phương Hoa, một chuyên viên trị liệu tâm lý, đồng thời là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind VN thì rất nhiều người tại Việt Nam và trên thế giới đã nhận thức được rằng trầm cảm là căn bệnh đáng sợ, nhưng để hiểu biết kỹ về căn bệnh này vẫn còn nhiều cản trở. Bất chấp những hồi chuông cảnh báo từ các nhà khoa học và các nhà xã hội học, số người tự sát do trầm cảm hàng năm vẫn tăng lên. Việc nhận biết ai đó, có thể là người thân, con em chúng ta hay thậm chí là chính chúng ta đang bị trầm cảm, quả thật không dễ dàng. Và kể cả sau khi nhận biết rồi, chúng ta cũng gặp nhiều lúng túng, trở ngại khi muốn giúp một ai đó, hay thậm chí là giúp chính mình vượt qua cơn “mây đen” của cảm xúc. Thậm chí, khi gặp trường hợp này, đôi khi các biện pháp phụ huynh lựa chọn thay vì làm giảm bớt áp lực thì ngược lại, đẩy áp lực càng trở nên nặng nề hơn.
Trò chuyện với con, xua đi mây đen
Theo TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, chuyên gia tư vấn tâm lý, thì giai đoạn từ 5 đến 7 tuổi là giai đoạn nền móng trong việc xây dựng tâm lý cho trẻ. Nền móng tâm lý vững chắc sẽ là cột trụ để các em vượt qua những khó khăn sau này. Mà ở độ tuổi đó, không ai ngoài chính các bậc cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất. Theo chuyên gia, có một công thức tính đơn giản: Stress = nội lực/áp lực. Như vậy nếu nội lực càng cao thì rõ ràng việc vượt qua áp lực càng dễ dàng hơn, đồng nghĩa chịu được stress càng lớn. Cũng vì lý do này mà khi chữa bệnh trầm cảm, các chuyên gia tâm lý thường truy ngược lại quá khứ, thậm chí tìm hiểu cả giai đoạn mang thai của mẹ để từ đó tìm ra nguyên nhân. Cũng có trường hợp, do hiểu lầm từ thời ấu thơ, người con lớn lên trong sự ám ảnh, nặng nề và chỉ đến khi chúng quay trở lại, chịu trao đổi, tiếp xúc với mọi người mới giúp chúng thoát ra khỏi căn bệnh trầm cảm.
Còn với PGS-TS Nguyễn Phương Hoa, chị vừa giới thiệu cuốn sách Khi mây đen kéo tới, một cuốn cẩm nang dành cho bố mẹ đang cùng con chiến đấu chống lại căn bệnh trầm cảm mà đôi khi tưởng chừng như bất lực. Cuốn sách gồm 30 câu chuyện, chia thành 3 nhóm hành vi, mỗi câu chuyện kèm theo một ghi chú ngắn để bạn đọc có thể ghi nhớ dễ dàng. Đây cũng chính là những câu chuyện và ghi chú đã được đăng ở Serena Land - Nhóm kín của diễn đàn Beautiful Mind VN, một diễn đàn về trầm cảm có hơn 18.000 thành viên, được đón nhận bởi các thành viên của diễn đàn này. Cuốn sách, vì thế, được chính các thành viên của diễn đàn mong muốn xuất bản.
Bạn đọc giao lưu, chia sẻ tại buổi giới thiệu sách
Điều khiến cho cuốn sách này khác biệt là tác giả không chỉ là một chuyên gia tư vấn mà còn là người trong cuộc. Cuốn sách được viết bằng những chia sẻ, ghi chú tỉ mỉ dưới góc nhìn của một nhà khoa học có trải nghiệm cá nhân trong việc đồng hành cùng người thân vượt qua quãng thời gian dài trầm cảm. Khác với những kết luận, dẫn chứng của một nhà nghiên cứu đơn thuần, cuốn sách chứa đựng những câu chuyện nhỏ hàng ngày, giúp bạn đọc hình dung ra những biểu hiện cụ thể, những diễn biến cảm xúc, hành vi cụ thể hàng ngày, những mẩu đối thoại hàng ngày mà một người mẹ có thể giúp con trai mình vượt qua những cơn trầm cảm, những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình hàng ngày; những nỗi buồn, những khoảnh khắc mà người thân của người có bệnh trầm cảm phải đối mặt để động viên, giữ vững tinh thần cho chính mình.
Trong tác phẩm này, TS Nguyễn Phương Hoa nhấn mạnh đến một liều thuốc quan trọng mà nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh đang bỏ lỡ, liều thuốc tinh thần, liều thuốc của sự sẻ chia và thấu hiểu; liều thuốc của những hiểu biết đúng, những nhận thức đủ quan trọng về căn bệnh, một cách giản đơn mà không tài liệu khoa học nào có thể thay thế được