Khi mơ thành thực

Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi “ngược ngàn” về thăm lại một số gia đình cựu chiến binh, cựu TNXP ở các xã biên giới Hòa Hải, Phú Gia và Hương Lâm, thuộc huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, những hộ đã được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) Báo SGGP hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà. Nhiều nhà đã khánh thành hơn hai năm nhưng niềm vui, sự hân hoan vẫn đong đầy trong nụ cười, ánh mắt của bà con.
Khi mơ thành thực

Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi “ngược ngàn” về thăm lại một số gia đình cựu chiến binh, cựu TNXP ở các xã biên giới Hòa Hải, Phú Gia và Hương Lâm, thuộc huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, những hộ đã được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) Báo SGGP hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng nhà. Nhiều nhà đã khánh thành hơn hai năm nhưng niềm vui, sự hân hoan vẫn đong đầy trong nụ cười, ánh mắt của bà con.

Anh Lê Khắc Trung trong ngôi nhà mới.

Anh Lê Khắc Trung trong ngôi nhà mới.

1. Nghe tin có người dưới xuôi đến thăm, bà Nguyễn Thị Tình (77 tuổi, ở thôn 5, xã Hòa Hải) miệng đang nhỏm nhẻm nhai trầu liền chạy một mạch về nhà, tay bắt mặt mừng thắm thiết. Chỉ tay lên ngôi nhà mới có tường sơn màu sáng loáng, bà Tình không giấu giếm niềm vui: “Ngôi nhà ni xây dựng vừa xong thôi, cao ráo, kiên cố, khang trang và sạch đẹp lắm. Bà con trong xóm làng ở đây ai cũng ưng lắm. Tất cả là nhờ có sự ủng hộ của các đơn vị tài trợ. Trước đây, cái ăn, cái mặc còn không lo đủ, có mơ cũng không dám mơ tới ngôi nhà lớn như ri mô. Đại gia đình tôi biết lấy gì để đền đáp công ơn nghĩa nặng này”.

Bà Tình là vợ của ông Nguyễn Tùng (78 tuổi - mất chưa tròn năm), bộ đội đã từng chiến đấu khắp các chiến trường Lào trong những năm 1964 - 1969. Sau khi giải ngũ trở về quê hương, ông bà cưới nhau rồi sinh được 8 người con (6 gái, 2 trai). Cuộc sống gia đình hết sức nghèo khó, lam lũ, con cái đông nhưng đều không có công ăn việc làm, quanh năm sống chung trong một túp lều tranh xiêu vẹo. Rồi trận lũ kép lịch sử vào tháng 10-2010, nước lũ từ trên rừng đổ về dồn dập cuốn phăng cả túp lều, toàn bộ thóc lúa, vật dụng sinh hoạt, gia cầm… cũng trôi hết. Không còn chỗ ở, ông bà phải chạy vạy nhờ cậy anh em, chính quyền địa phương, bà con xóm làng hỗ trợ mới dựng lại được một túp lều ở tạm khác.

Bà Tình nói, thời điểm khó khăn nhất, túng thiếu nhất thì rất may mắn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Chương trình NTTS - của Báo SGGP. 20 triệu đồng khi đó dù không quá lớn nhưng chính là động lực đầu tiên thôi thúc gia đình chúng tôi quyết tâm vay mượn, gom góp thêm tiền về làm nhà. Sau hơn một năm thi công, đến nay ngôi nhà ngói 2 gian kiên cố, rộng hơn 70m2, với tổng trị giá trị khoảng 70 triệu đồng cũng đã xong. “Gia đình tôi vô cùng phấn khởi, sung sướng, hạnh phúc lắm. Từ nay không còn phải lo cảnh dột nát, mưa bão, lũ lụt đe dọa như trước đây nữa. Tôi hứa sẽ giữ gìn bảo vệ nó, và sau này khi mất, sẽ bàn giao lại cho các con, cháu của mình tiếp tục giữ gìn để xứng đáng với tấm lòng ơn nghĩa của nhà tài trợ…”, nói đến đây bà Tình rơm rớm nước mắt.

2. Chia tay bà Tình, vượt thêm hơn 15km nữa, chúng tôi ghé thăm nhà của anh Lê Khắc Trung (34 tuổi, ở xóm Phú Thành, xã biên giới Phú Gia) là con trai đầu của người cựu TNXP Lê Khắc Tân (64 tuổi). 2 năm trước khi chúng tôi cùng đoàn làm phim “Trở  lại Trường Sơn huyền thoại”, do Báo SGGP và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện, về đây quay phim, ngôi nhà với diện tích hơn 70m2 của anh Trung đang dang dở phần thô, rất nhiều hạng mục khác chưa được thi công. Hôm nay ngôi nhà ấy đã hoàn thành kiên cố, mái ngói mới toanh, tường và sàn nhà lát gạch bóng loáng… Ngoài số tiền 20 triệu đồng trong gói tài trợ từ Chương trình NTTS - của Báo SGGP, gia đình anh Trung còn gom góp, đi vay mượn thêm tiền về làm các khung cửa gỗ, mái che nắng, mua tivi, tủ lạnh, bàn ghế salon và rất nhiều đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt hiện đại khác trong nhà.

Anh Trung phấn khởi tâm sự, ngày đó hoàn cảnh nghèo lắm, anh em lại đông, không có công ăn việc làm ổn định. Rất may nhờ có Chương trình NTTS của Báo SGGP về hỗ trợ kịp thời, đã giúp gia đình tôi làm được ngôi nhà mới khang trang mơ ước như thế này. Nếu không có quý báo và các đơn vị tài trợ, không biết đến khi nào chúng tôi mới có nhà.

3. Rời xã Phú Gia, chúng tôi tiếp tục hành trình hơn 15km về thăm ngôi nhà của người cựu chiến binh Hồ Văn Thứ, ở xóm 7, xã biên giới Hương Lâm. Ngôi nhà được Tổng Công ty cổ phần Phong Phú thông qua Chương trình NTTS của Báo SGGP tài trợ, khánh thành vào ngày 18-1-2011. Gia đình ông Thứ thuộc diện hộ nghèo, quanh năm sống bằng nghề đi rừng, lượm củi, làm thuê cuốc mướn, chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ. Gặp lại chúng tôi, sau hơn 2 năm, gia đình ông Thứ, ai cũng phấn khởi tâm sự: “Từ khi có ngôi nhà mới, cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc hơn, bắt đầu có của ăn, của để, con cái sống hòa thuận, hạnh phúc. Gia đình chúng tôi biết ơn sâu nặng đến Báo SGGP và nhà tài trợ vô cùng...

Đến cuối tháng 6-2013, Chương trình NTTS Báo SGGP đã tài trợ 3,645 tỷ đồng để xây 106 căn nhà cho các gia đình cựu chiến binh, cựu TNXP và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dọc đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Những công trình này được các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP, Hội Cựu chiến binh… trực tiếp đảm nhận thi công đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, Chương trình NTTS còn tài trợ xây dựng Trạm xá quân dân y ở thôn Phú Lâm, xã biên giới Phú Gia với tổng kinh phí đầu tư 534 triệu đồng. Hiện còn Trạm xá quân dân y ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê với tổng kinh phí 600 triệu đồng cũng đang vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị khánh thành.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục