Khi mùa xuân qua đi…

Sau những cuộc nổi dậy rầm rộ của nhân dân các nước Tunisia và Ai Cập vào mùa xuân năm nay buộc hai nhà lãnh đạo từ chức, người dân hai nước hân hoan và tích cực tham gia chính quyền mới. Những tưởng đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên mới. Thế nhưng không phải vậy! Người dân ở hai quốc gia tưởng chừng như được tưới mát bởi mùa xuân Arab lại đang thất vọng với những lời hứa sắp trở nên hão huyền.

Hãng tin AFP cho biết, một trong những người đã dùng các mạng xã hội tích cực kêu gọi người dân xuống đường hồi đầu năm nay và sau đó được cho giữ chức Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Tunisia, ông Slim Amamou, đã từ chức. Mặc dù ông Slim Amamou tuyên bố không phải sinh ra để dành cho chính trị nhưng cũng nói thêm rằng tình hình không có gì thay đổi và thậm chí chính phủ mới còn kiểm soát chặt chẽ tình hình hơn vì lo sợ người dân lại tiếp tục biểu tình.

Tại Ai Cập, người dân đang bất bình với sự kiểm soát gắt gao của Hội đồng quân sự tối cao, cơ quan quyền lực nắm quyền kể từ khi ông Mubarak từ chức. Quân đội Ai Cập từng được xem như anh hùng khi không bắn vào người biểu tình hồi tháng 2 giờ đây đang bị chỉ trích dữ dội vì tốc độ cải cách chậm chạp và bị cáo buộc lạm dụng quyền lực.

Ông Ahmed Imam, người phát ngôn của Mặt trận dân tộc vì công lý và phát triển trả lời AFP rằng trở ngại chính là những người lãnh đạo mới của Ai Cập không có nguyện vọng thay đổi nền chính trị. Nhiều người đang kêu gọi một cuộc cách mạng thứ hai ở xứ sở Kim tự tháp.

Nhìn lại những gì diễn ra ở hai đất nước này vào đầu năm nay sẽ tìm được câu trả lời. Khi người dân tự phát kéo xuống đường biểu tình, họ chỉ mong muốn cải cách kinh tế để cuộc sống khá hơn, thanh niên có việc làm ổn định; mong muốn các nhà lãnh đạo độc tài, vun vén cá nhân từ chức để mang lại luồng gió mới trong đời sống chính trị. Nhưng các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, lúc đó lo ngại, nếu các chính phủ thân Mỹ ở đây sụp đổ, ảnh hưởng cũng như lợi ích của họ sẽ bị thiệt hại nên vội vàng nhảy vào can thiệp.

Một mặt, Washington tuyên bố ủng hộ những người biểu tình, mặt khác thỏa thuận ngầm với các nhà lãnh đạo để họ ra đi trong ôn hòa và trao quyền lực lại cho một thế lực khác (cũng từ những thành viên của chính phủ cũ) theo đề nghị của Washington. Nếu nhìn từ bên ngoài sẽ thấy Washington đang đóng vai trò tích cực thúc đẩy những cải cách theo hướng dân chủ cũng như đảm bảo không xảy ra bạo lực ở đây.

Nhưng đằng sau sự ủng hộ đó chính là mong muốn lèo lái các chính phủ mới theo hướng phục vụ cho việc bảo vệ ảnh hưởng và lợi ích của mình ở các nước này cũng như trong toàn khu vực. Để phục vụ cho mục đích của Washington, các chính quyền mới phải kế thừa chính sách của các chính phủ trước đây, từ đối ngoại cho đến đối nội. Vì vậy, những từ như “thay đổi”, “cải cách” cũng trở nên nhạy cảm đối với chính quyền mới nên họ buộc phải kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn.

Bài học rút ra từ mùa xuân Arab là những vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia phải do chính nhân dân của đất nước đó giải quyết theo nguyện vọng của đại đa số quần chúng. Bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ đều không phục vụ cho lợi ích của dân tộc mình. Nhiều chuyên gia Arab dự báo, khi mùa xuân Arab qua đi, mùa hè “nóng bỏng” sẽ đến. 

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục